Quy định niêm yết giá của siêu thị

0
794

Câu hỏi: Siêu thị có được phép niêm yết 1 giá duy nhất (không phân biệt hình thức mua trả góp hay trả thẳng) nhưng khi khách hàng mua trả góp thì tính giá cao hơn giá trả thẳng không?

Luật sư trả lời: 

Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 12 Luật Giá 2012 thì đối với các hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá thì các siêu thị sẽ được quyền quyết định mức giá niêm yết; đồng thời Luật cũng quy định không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.

Như vậy, các Siêu thị có quyền niêm yết 1 giá duy nhất với một loại hàng hóa và các siêu thị không được bán cao hơn mức giá niêm yết này, dù hình thức bán trả thẳng hay bán trả góp đối với cùng một loại hàng hóa thì mức giá bán ra vẫn phải đúng với mức giá đã niêm yết.

Thực tế có trường hợp người tiêu dùng mua trả góp tính ra đắt hơn mua trả thẳng là bởi vì phải chịu thêm  phần lãi suất của hình thức mua trả góp. Việc trả lãi suất mua trả góp thực tế là khách hàng đang trả cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng, hình thức mua trả góp bản chất là vay tiền của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để trả người bán. Còn về giá bán hàng hóa, các siêu thị hay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh buộc phải bán đúng giá niêm yết, không phân biệt hình thức mua trả góp hay trả thẳng.

Cơ sở pháp lý:

Điều 12, Luật giá 2012:

Điều 12. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh

  1. Lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
  2. Chấp hành quyết định về giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  3. Đăng ký giá bán hoặc giá mua đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
  4. Kê khai giá bán hoặc giá mua hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã kê khai đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá theo quy định của Chính phủ.
  5. Niêm yết giá:
  6. a) Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết;
  7. b) Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.
  8. Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình theo quy định của Luật này.
  9. Cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp Nhà nước định giá, áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
  10. Giải quyết kịp thời mọi khiếu nại về giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.”

 

Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giá

Điều 18. Cách thức niêm yết giá 

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.

2. Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng.

3. Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.”