Quy định về việc thuê giám đốc cho doanh nghiệp nước ngoài

0
489

Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là công ty TNHH (sau đây gọi tắt là “Công ty” hoặc “Quý Khách hàng”) có vốn đầu tư nước ngoài có Chủ sở hữu là Công ty ở Châu Mỹ (Sau đây gọi tắt là “Chủ sở hữu”).

Công ty được thành lập năm 2011 và người đại diện theo pháp luật hiện tại của Công ty là công dân Việt Nam, giữ chức danh Giám đốc.

Hiện nay, Chủ sở hữu Công ty có ý định thay đổi Người đại diện theo pháp luật hiện tại sang một người khác cũng là một công dân Việt Nam (Sau đây gọi tắt là “Người đại diện theo pháp luật dự kiến” hoặc “Người lao động dự kiến”). Theo đó, Công ty sẽ ký kết Hợp đồng nhằm tuyển dụng Người lao động dự kiến để:

(i) giữ chức danh Tổng giám đốc; và (ii) sau đó giữ vị trí Người đại diện theo pháp luật thay thế cho Người đại diện theo pháp luật hiện tại của Công ty.

Tuy nhiên, Người lao động dự kiến không đồng ý với phương pháp này và yêu cầu được ký kết Hợp đồng với Chủ sở hữu nhằm thực hiện các mục đích nêu trên.

Do đó, công ty chúng tôi mong muốn  SB Law cung cấp một Bản Ý Kiến Tư Vấn Pháp Lý nhằm phân tích và đánh giá liệu yêu cầu nêu trên của Người lao động dự kiến có phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hay không, và đưa ra giải pháp phù hợp cho Quý Khách hàng.

Luật sư trả lời: Về vấn đề này, chúng tôi có ý kiến như sau:

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

– Luật số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội về Luật Doanh nghiệp (“Luật Doanh nghiệp 2005”);

– Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;

– Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội :

– Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (“Nghị định108”).

III. PHÂN TÍCH PHÁP LÝ

3.1 CƠ CẤU TỔ CHỨC QUẢN LÝ CỦA CÔNG TY

Công ty là một công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài do Chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Chủ sở hữu Công ty đã bổ nhiệm người nước ngoài làm người đại diện phần vốn góp của Chủ sở hữu trong Công ty. Do đó theo luật định người đại diện phần vốn góp sẽ giữ chức danh Chủ tịch Công ty.

3.2 QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH CÔNG TY TRONG VIỆC THUÊ TỔNG GIÁM ĐỐC CỦA CÔNG TY

SB Law tại đây nhận định rằng, yêu cầu “được ký kết Hợp đồng với Chủ sở hữu nhằm thực hiện các mục đích nêu trên” của Người lao động dự kiến là không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Theo luật, Chủ tịch công ty có quyền bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá năm năm để điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của Công ty .

Như vậy trong trường hợp này, Chủ tịch công ty sẽ nhân danh Công ty và thay mặt cho Chủ sở hữu, tiến hành ký kết Hợp đồng nhằm thuê Người lao động dự kiến để giữ chức danh Tổng giám đốc của Công ty.

Việc ký kết Hợp đồng giữa Người lao động dự kiến với Chủ sở hữu nhằm mục đích thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của Công ty, trong trường hợp này, là vi phạm quy định của pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam hiện hành.

3.3 THAY ĐỔI NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA CÔNG TY

Sau khi thực hiện việc ký kết Hợp đồng nhằm tuyển dụng chức danh Tổng giám đốc của Công ty, để thực hiện việc thay đổi vị trí Người đại diện theo pháp luật, Quý Khách hàng cần tiến hành thủ tục Đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư nhằm cập nhật sự thay đổi về Người đại diện theo pháp luật của Công ty tại Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư hiện hành [3].

Lưu ý, Người đại diện theo pháp luật dự kiến của Công ty chỉ được chính thức công nhận bởi Nhà nước Việt Nam tại thời điểm Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của Công ty được ban hành trong đó đã cập nhật thông tin của cá nhân này.

Cũng từ thời điểm này trở đi, Hợp đồng giữa Người đại diện theo pháp luật dự kiến và Công ty về việc bổ nhiệm và thay đổi Người đại diện theo pháp luật của Công ty mới có hiệu lực. Điều này nên được nêu cụ thể trong Hợp đồng lao động.

IV. ĐÁNH GIÁ

Trong trường hợp này, việc tuyển dụng Tổng giám đốc đồng thời là Người đại diện theo pháp luật dự kiến của Công ty nên được tiến hành theo phương pháp ký kết Hợp đồng giữa Người lao động dự kiến và Chủ tịch công ty.

Sau đó, tiến hành các thủ tục cần thiết tại cơ quan cấp phép có thẩm quyền nhằm cập nhật việc thay đổi chức vụ Người đại diện theo pháp luật của Công ty.