Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.

0
430

Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.

Ngày 02/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Nghị định gồm có 5 chương với 17 điều, quy định chi tiết một số nội dung như sau:

* Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng đối với Nghị định bao gồm:

– Trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

– Các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

* Quy định khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 – 2016

– Vùng thành thị từ 60.000 đồng/tháng/học sinh đến 300.000 đồng/tháng/học sinh; Vùng nông thôn là từ 30.000 đồng/tháng/học sinh đến 120.000 đồng/tháng/học sinh; Vùng miền núi là từ là từ 8.000 đồng/tháng/học sinh đến 60.000 đồng/tháng/học sinh.

– Từ năm học 2016 – 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định này, HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.

*Quy định chi tiết về mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ đại học

Cụ thể như sau:

–  Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên

Khối ngành, chuyên ngành đào tạo Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 Từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 Năm học 2020-2021
1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản 1.750 1.850 2.050
2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch 2.050 2.200 2.400
3. Y dược 4.400 4.600 5.050

 

– Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 như sau:

Khối ngành, chuyên ngành đào tạo Năm học 2015-2016 Năm học 2016-2017 Năm học 2017-2018 Năm học 2018-2019 Năm học 2019-2020 Năm học 2020-2021
1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản 610 670 740 810 890 980
2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch 720 790 870 960 1.060 1.170
3. Y dược 880 970 1.070 1.180 1.300 1.430

 

– Nghị định quy định, học phí đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

– Học phí đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun: Mức thu học phí của một tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức dưới đây:

Học phí tín chỉ, mô-đun = Tổng học phí toàn khóa
Tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa

+ Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 học sinh, sinh viên/1 tháng x 10 tháng x số năm học.

* Quy định về việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập

Nghị định quy định:

– Học sinh tiểu học; Học sinh, sinh viên sư phạm; Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập.

Ngoài các đối tượng không phải đóng học phí, Nghị định còn quy định các đối tượng được miễn học phí bao gồm:

– Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng;

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế;

– Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng;

– Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất;

– Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

– Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân;

– Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên);

– Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học;

– Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

– Sinh viên học chuyên ngành Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

– Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các chuyên ngành:

– Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh;

– Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;

– Sinh viên cao đẳng, đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

– Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;

– Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định;

– Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

* Về các điều khoản thi hành

– Nghị định này thay thế các Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015;

+ Thay thế Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015 hết hiệu lực thi hành kể từ năm học 2015 – 2016.

– Bãi bỏ việc trợ cấp, miễn, giảm học phí cho các đối tượng quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 33 của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục

+ Bãi bỏ chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật quy định tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015

Mời quý vị xem thêm nội dung tư vấn của luật sư SBLAW tại đây: