Quyền của công dân khi bị tạm giữ hành chính

0
430

Liên quan tới vụ việc công dân đi tiến hành sao y bản chính bằng tốt nghiệp, bị nghi ngờ bằng giả và bị tạm giữ, vụ việc được phản ánh trên báo tuổi trẻ theo link sau:

Từ câu chuyện này, báo Tuổi trẻ muốn nêu vấn đề người dân cần nắm rõ quyền của mình và biết cách tự bảo vệ mình trong những trường hợp tương tự, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã tiến hành trả lời về vụ việc trên như sau:
Câu hỏi: Trường hợp đi sao y bằng tốt nghiệp và bị nghi ngờ bằng giả thì UBND phường có quyền giữ người hay không thưa luật sư?

1.1. Trường hợp được quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Căn cứ Điều 11 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất quy định:

“Điều 11. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi sau:

  1. Gây rối trật tự công cộng.
  2. Gây thương tích cho người khác.
  3. Người có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình.”

Như vậy, việc sao y bằng tốt nghiệp và bị nghi ngờ bằng giả không thuộc trường hợp bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

 1.2. Thẩm quyền tạm giữ

Căn cứ Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, người có quyền quyết định tạm giữ gồm:

“Điều 123. Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính

  1. Trong trường hợp có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định tại khoản 1 Điều 122 của Luật này, thì những người sau đây có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính:
  2. a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường;
  3. b) Trưởng Công an cấp huyện;

Người có thẩm quyền tạm giữ người quy định tại các điểm từ a đến i khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kì cá nhân nào khác.”

Như vậy UBND phường không có quyền quyết định tạm giữ người mà chỉ có Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường có thẩm quyền này.

Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có Quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

Câu hỏi: Nếu sau khi xác minh chứng thực bằng thật thì UBND phường phải chịu trách nhiệm bồi thường gì đối với công dân thưa anh?

2.1. Trách nhiệm bồi thường

Căn cứ Điều 2 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 quy định:

“Điều 2. Đối tượng được bồi thường

Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần (sau đây gọi chung là người bị thiệt hại) trong các trường hợp quy định tại Luật này thì được Nhà nước bồi thường.”

Khoản 1 Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 quy định:

“Điều 14. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường

Cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.”

Như vậy, trong trường hợp này UBND phường có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Việc bồi thường được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ và người bị thiệt hại được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.(Khoản 2, 3 Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009).

Thiệt hại được bồi thường được xác định bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ, trả lại tài sản và khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại (trong hoạt động tố tụng hình sự) (Điều 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009.

2.2. Thủ tục giải quyết bồi thường (Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009)

  1. Yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ:Người bị hại yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
  2. Hồ sơ yêu cầu bồi thường: Khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
  3. Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại; trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.
  4. Xác minh thiệt hại: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày
  5. Thương lượng việc bồi thường
  6. Quyết định giải quyết bồi thường

Câu hỏi: Thưa luật sư, trong những trường hợp tương tự, người dân có quyền hoặc nên làm gì để tự bảo vệ mình ạ?

Căn cứ Điều 18 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, người dân trong trường hợp này có những quyền sau:

– Được thông báo về việc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

– Yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc, học tập biết việc mình bị tạm giữ;

– Được biết lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ và địa điểm bị tạm giữ; khiếu nại về việc tạm giữ;

– Được bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống;

– Được điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 112/2013/NĐ-CP, người bị tạm giữ có nghĩa vụ:

– Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định tạm giữ, nội quy, quy định của nơi tạm giữ;

– Tuân thủ yêu cầu, mệnh lệnh của người ra quyết định tạm giữ và người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ nơi tạm giữ;

– Khai báo thành khẩn những hành vi vi phạm pháp luật của mình và của những người khác có liên quan;

– Không được đưa vào nơi tạm giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, điện thoại di động, văn hóa phẩm độc hại, rượu bia và các chất gây nghiện khác hoặc các vật dụng có thể ảnh hưởng đến trật tự, an toàn nơi tạm giữ.

Người dân nên tìm hiểu các quyền của mình khi bị tạm giữ để biết và thực hiện. Bên cạnh đó, nên thi hành các nghĩa vụ theo pháp luật, cố gắng kiềm chế không nổi nóng dẫn đến có các lời nói xúc phạm hoặc có hành động chống người thi hành công vụ. Mọi vấn đề không hài lòng, khó chịu hãy giải quyết theo thủ tục khiếu nại sau.