Quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất

0
492

Câu hỏi: Lúc trước gia đình mình có một căn nhà do anh của mình ở Nga cho 3 anh chị em và do mình đứng tên chủ sở hữu, nhưng sau khi người anh của mình lấy vợ thì mình và các anh chị em khác cũng chuyển đi nơi khác, nhưng sau này thì anh mình đã làm thủ tục để sang tên sổ đỏ cho vợ của anh mình, nhưng 3 anh chị em mình đều không biết và hiện tại thì vợ của anh mình có ý định muốn bán căn nhà ấy. Và trước khi vợ ấy về làm dâu thì đã có căn nhà ấy. Vậy 3 anh chị em mình có quyền khiếu nại hoặc được hưởng quyền lợi gì từ căn nhà đó nữa hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

 “16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

 Theo đó, người nào có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với phần diện tích đất đó.  Bên cạnh đó, Điều 158 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Dựa vào thông tin mà bạn cung cấp có thể hiểu giấy chứng nhận này cấp cho cá nhân bạn. Vì vậy bạn là chủ sở hữu đối với căn nhà này, việc định đoạt phải được sự đồng ý của chủ sở hữu. Việc bạn không đồng ý chuyển nhượng và không có bất kì giấy tờ ủy quyền nào khác đối với việc định đoạt căn nhà này thì cần phải xem lại tính hợp pháp của việc chuyển nhượng nhà sang cho chị dâu của bạn và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chị dâu bạn.

Trong trường hợp nếu có tranh chấp bạn có thể khởi kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho mình.