Trong khi nhiều nhà xuất bản đang phải đối phó với nạn sách in lậu thì sách điện tử lậu cũng khiến họ đau đầu Ảnh minh họa
Thi nhau tiếp tay cho e-book lậu
Trước tiên, phải kể đến số lượng độc giả rất lớn có thói quen thích đọc sách “không mất tiền”. Chỉ vài cái click chuột là có ngay những bản e-book trôi nổi của các cuốn sách “best-seller” hay bản sao chép của các tác phẩm, tác giả nổi tiếng. Vậy là vô tư đọc, vô tư tải về, chẳng cần phải quan tâm đến công sức của nhà văn hay sự lỗ lãi của các NXB. Chưa kể đến, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại điện thoại thông minh, các thiết bị đọc điện tử, giúp cho việc đọc sách trên mạng trở nên dễ dàng khiến số người thích đọc “sách chùa” ngày càng nhiều hơn. Đây chính là nguồn hậu thuẫn mạnh mẽ cho nạn copy bất hợp pháp các ấn bản điện tử đang không ngừng tăng lên.
Bên cạnh đó, không ít tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ, đã lợi dụng công nghệ internet để lăng-xê tác phẩm, quảng bá tên tuổi mà không tốn nhiều thời gian công sức. Nghe có vẻ phi lý, nhưng ngày càng có nhiều tác giả cảm thấy “tự hào“ khi tác phẩm của mình bị sao chép tràn lan trên mạng. Không ít tác giả lại dễ dàng ký các hợp đồng cho phép sử dụng tác phẩm của mình với website nào đó mà không hề quan tâm đến các điều khoản về bản quyền.
Về phía các NXB, cho dù bị ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến quyền lợi nhưng hiếm thấy họ lên tiếng đòi pháp luật bảo vệ mình. Thậm chí, nhiều NXB thừa nhận: bộ phận pháp lý của họ không có đủ lực cũng như thời gian để kiểm tra xem website nào đã vi phạm bản quyền sách của mình và những tác phẩm nào đã bị sao chép bất hợp pháp. Cũng từng có một NXB lớn thấy sách của mình chưa công bố vậy mà đã đầy rẫy trên mạng đã yêu cầu các website dỡ bản e-book sao chép bất hợp pháp, nhưng kết quả là các e-book này không những không dỡ bỏ, mà NXB này còn bị các thành viên của mạng la ó, kêu gọi tẩy chay, thế là đành phải chấp nhận “sống chung với vi phạm”.
Nhiều NXB cho rằng cực chẳng đã, họ mới phải nhờ đến cơ quan chức năng, bởi họ không biết phải bắt đầu từ đâu vì cho đến nay, trách nhiệm xử lý vi phạm bản quyền sách điện tử vẫn cứ lửng lơ và đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải đơn độc cam chịu. Một nhà văn trẻ có rất nhiều tác phẩm “được” “số hóa” trên mạng bức xúc: “Những trang e-book thu tiền người đọc dù là dưới hình thức nào thì đó là kinh doanh trái phép”. Và mặc nhiên những trang e-book lậu đã thản nhiên cắt một phần không nhỏ “miếng bánh” của người viết, mà đáng lẽ họ phải tạo điều kiện hợp tác cùng có lợi…
Cần nâng cao văn hóa đọc
Trước sự lấn sân của e-book lậu, ngày 29-8-2011, Cục Xuất bản – Bộ TT-TT đã có Công văn số 2627/CXB-QLXB gửi đến các NXB quy định việc xuất bản trên mạng internet. Theo đó, các xuất bản phẩm trên mạng phải do NXB thực hiện. Các bước thực hiện sẽ giống như quy trình đăng ký xuất bản phẩm in, chỉ trừ phần nộp lưu chiểu thay vì nộp bằng sách thì nộp bằng thiết bị lưu trữ dữ liệu (CD-ROM, DVD, VCD, USB. Ngay cả Nghị định số 11/2009/NĐ-CP bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, nội dung ấn phẩm sách điện tử cũng mới được đề cập. Song, quy định này cũng chỉ chung chung. Nhiều NXB còn cho rằng quy định này “có cũng như không”, bởi theo một giám đốc NXB, quy định này lại chỉ nhắm tới các NXB, các đơn vị phát hành sách chân chính, trong khi các đối tượng làm e-book lậu lại không phải chịu bất cứ một chế tài hay điều chỉnh nào.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa-Công ty TNHH Luật S&B: “Từ khi Công ước Berne có hiệu lực, thị trường xuất bản Việt Nam đã có những đổi thay theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn với giá trị nội dung cũng như thương mại của sách ngày càng tăng. Tuy nhiên, đó mới là những thành quả bước đầu trên mặt trận chống sách lậu truyền thống. Vẫn còn một “địa bàn” khác hiện đang bị bỏ ngỏ – đó là sách không bản quyền trên mạng internet dưới dạng: tiến hành số hóa các tác phẩm văn học, kinh doanh sách văn học điện tử (e-book) thông qua việc cho phép đọc, truy cập, sao chép và lưu trữ trên các website, sao chép cá nhân bằng các kỹ thuật hiện đại… mà không xin phép tác giả và không hề trả tiền bản quyền.
Để xử lý hành vi này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, mức phạt nặng nhất lên đến 500 triệu đồng. Song song với các hình thức xử phạt hành chính, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: khôi phục lại quyền đứng tên, đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, buộc dỡ bỏ bản gốc, bản sao tác phẩm… thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù, chúng ta đã có những quy định về vấn đề vi phạm bản quyền và kinh doanh trái phép sản phẩm văn hóa của các đơn vị xuất bản trên mạng, nhưng vẫn còn thiếu những quy định về trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, giữa các cơ quan này chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nên việc bắt những kẻ tội phạm ảo này vẫn chưa được thực hiện tận gốc”.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý để ngăn chặn tất cả các trang web làm e-book lậu nhằm bảo vệ các sản phẩm văn hóa mà các NXB, những người viết, đã phải phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc mới làm ra được. Bên cạnh đó, nhận thức của độc giả cũng cần thay đổi, bởi một khi độc giả còn thích đọc “sách chùa” thì khi đó những trang web làm e-book lậu vẫn có đất để tồn tại…