Sản xuất thuốc chữa Covid-19 giả có thể bị phạt tới 20 tỷ đồng, tù chung thân hoặc tử hình

0
344

Mới đây, CATP. HCM đã bắt tạm giam Nguyễn Đức Thuận, 46 tuổi, cùng hai đồng phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. Tại hiện trường cơ quan chức năng đã tạm giữ 630.000 viên thuốc tân dược giả. Đây chỉ là một trong số hàng loạt vụ việc sản xuất thuốc chữa Covid 19 giả trục lợi giữa giai đoạn tình hình dịch diễn biến phức tạp trên toàn quốc. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã đưa ra những ý kiến pháp lý về chế tài xử phạt đối với hành vi trên trong bài phỏng vấn với báo An ninh Thủ đô. SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn dưới đây.

Lợi dụng tâm lý người dân muốn mua tích trữ các loại thuốc chữa bệnh về hô hấp, “phòng và điều trị Covid-19” trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành tại nhiều tỉnh thành, Nguyễn Đức Thuận đã cùng Dương Quốc Chính (61 tuổi), Nguyễn Thị Kim Tuyến (50 tuổi) mua các loại tân dược trôi nổi đem về nhà chế biến, đóng nhãn mác “thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19” rồi đem tiêu thụ.

Khám xét khẩn cấp 3 nơi sản xuất tân dược giả của Nguyễn Đức Thuận và những người liên quan, lực lượng chức năng tìm thấy một lượng lớn nguyên liệu, cùng các loại công cụ chế biến tại nhà kho, nhà vệ sinh, trong đó có khoảng 630.000 viên thuốc tân dược giả, hơn 3.100 hộp thuốc giả các nhãn hiệu Neo–Cordion; 100 vỉ Neo-codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ…

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng giả trị giá từ 100-dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 5-12 năm.

Phạm tội làm chết người; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng…thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Phạm tội nhằm thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên; Làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền từ 1-20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-3 năm; cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Về các yếu tố cấu thành tội phạm, Luật sư Thanh Hà nhận định, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh có hình thức lỗi là cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Về khách thể của tội phạm, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, xâm phạm quyền bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh thuốc chữa bệnh, phòng bệnh đúng đắn.

“Hành vi khách quan của tội này bao gồm hai loại hành vi đó là hành vi sản xuất và hành vi buôn bán. Hậu quả của hành vi là thiệt hại về vật chất, thể chất, gồm thiệt hại về tính mạng hay các tổn hại về sức khỏe cho người tiêu dùng. Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định hậu quả có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt” – Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.

Nguồn và hình ảnh bài viết: https://anninhthudo.vn/san-xuat-thuoc-chua-covid-19-gia-co-the-bi-phat-toi-20-ty-dong-tu-chung-than-hoac-tu-hinh-post478200.antd