Sau vụ tai nạn tại 105 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội: Nguy cơ tiềm ẩn từ các cột thu, phát sóng trên cao

0
441
Trong bài viết của tác giả Huệ Linh trên ANTĐ điện tử có phần trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mời Quý vị đọc nội dung bài viết tại đây:
ANTĐ – Như Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, trưa  6-7 tại tòa nhà 105 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, một cột sắt  từ trên cao đã bất ngờ đổ sập khiến 1 người tử vong. Thông tin này khiến nhiều người dân cảm thấy bất an về các cột sắt thép đang hiện diện trên nóc các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Nguy cơ tai nạn rình rập

Được biết, tòa nhà 105 Láng Hạ là khối văn phòng cho thuê. Khi chúng tôi liên lạc với người phụ trách tòa nhà này về vụ tai nạn xảy ra trưa 6-7 thì vị này nhanh chóng từ chối rồi dập máy. Chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, chị Nguyễn Thị Hường – vợ nạn nhân Vũ Văn Hoan nói trong nước mắt: “Tai nạn bất ngờ ập xuống khiến chồng tôi ra đi quá đột ngột. Đây là nỗi mất mát không gì bù đắp nổi, khiến 2 đứa trẻ còn nhỏ dại vĩnh viễn mất cha. Tôi đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân xảy ra tai nạn, giải quyết bồi thường theo đúng quy định của pháp luật”.

Là người dân ở gần nơi xảy ra vụ tai nạn, ông Nguyễn Đức Hoàng ở phố Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa bày tỏ, với những thiết bị được lắp đặt từ trên cao, nguy cơ xảy ra gãy đổ, rơi xuống phía dưới gây tai nạn cho người dân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do đó, quá trình lắp đặt phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, đồng thời thiết bị phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Sự việc xảy ra tại tòa nhà số 105 Láng Hạ, quận Đống Đa cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình trên cao chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.

ôi được biết cột sắt trên là cột thu sóng của công ty taxi đã được lắp đặt trên nóc tòa nhà hơn chục năm, hiện không còn sử dụng. Rất may khi xảy ra sự cố không có người đi phía dưới, nếu không thiệt hại về người không chỉ dừng lại ở 1 nạn nhân. Theo tôi, lý do dẫn đến hiện tượng này một phần do tác động của thời tiết mưa giông, một phần do công trình không được kiểm tra, bảo dưỡng nên đã xuống cấp” – ông Hoàng chia sẻ.

Còn theo một số người dân sống tại khu vực, hiện trên địa bàn Hà Nội còn có hàng chục cột sắt thép thu phát sóng khác đã được lắp đặt trên nóc các toà nhà. Mặc dù khi lắp đặt, các đơn vị chủ quản đều đưa ra hồ sơ đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, song người dân vẫn rất lo vì cột ăng ten cao vài chục mét được xây dựng, lắp đặt trên đỉnh mái nhà liệu có an toàn khi xảy ra mưa bão, giông lốc? Bên cạnh đó, tình trạng lắp xong rồi bỏ, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, để đến khi xảy ra sự cố mới tìm biện pháp khắc phục vẫn diễn ra khá phổ biến.

Cần bồi thường thỏa đáng

Đối với sự cố xảy ra tại 105 Láng Hạ, về trách nhiệm bồi thường của các bên liên quan, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật SBLAW cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự, đơn vị hiện đang sở hữu, quản lý cột sắt bị đổ gãy phải bồi thường thiệt hại về tính mạng cho nạn nhân (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng).

Đây là loại trách nhiệm dân sự phát sinh giữa các chủ thể mà trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc nghĩa vụ thi hành hợp đồng đã ký kết. Theo đó, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… của cá nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố:  Có thiệt hại xảy ra; Có hành vi trái pháp luật; Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Nguyên tắc bồi thường là toàn bộ và kịp thời.

Do đó, bên gây ra thiệt hại phải gặp gỡ gia đình nạn nhân thỏa thuận mức độ bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì gia đình nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa. Trong trường hợp hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư cột thu phát với đơn vị quản lý tòa nhà vẫn còn hiệu lực thì căn cứ các điều khoản trong hợp đồng, tìm nguyên nhân gây ra tai nạn, từ đó xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường của các bên.

Nếu hợp đồng hai bên đã chấm dứt thì lỗi thuộc về đơn vị đang quản lý cột này. Điều quan trọng nhất là phải tiến hành giám định để xem lỗi thuộc bên nào, do chủ quan hay khách quan, công trình có tuân thủ quy định về xây dựng và các quy định khác hay không…

Sự xuất hiện của không ít cột sắt thép trên nóc các công trình cao tầng hiện nay không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường nếu xảy ra sự cố gãy đổ. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các đơn vị chủ quản cần thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng, gia cố những công trình đã được lắp đặt, cho tháo dỡ những cột thu phát không còn giá trị sử dụng nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc.

TAG :