Sẽ có thêm “làn sóng” taxi công nghệ mới?

0
396

Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản “xin” cơ quan quản lý được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử thay vì là taxi truyền thống như hiện nay để được hưởng các ưu đãi đặc biệt đối với loại hình kinh doanh vận tải này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trả lời báo chí về vấn đề này:

Là một trong những chuyên gia theo sát cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Từ góc độ pháp lý, theo ông, nguyên nhân nào khiến taxi truyền thống muốn trở thành taxi công nghệ dù họ cũng có thể sử dụng phần mềm điện tử như Grab?

Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến dai dẳng này xuất phát từ những bất bình đẳng trong việc thực hiện điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Trên thực tế, taxi truyền thống đang chịu nhiều điều kiện kinh doanh hơn so với taxi công nghệ. Trong khi hoạt động taxi truyền thống phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và gắn liền với nó là hàng loạt thuế phí nảy sinh thì taxi công nghệ không cần bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục, đăng ký giá, ngang nhiên đi vào các tuyến đường cấm taxi trong khi đang thực hiện dịch vụ vận chuyển khách. Taxi công nghệ rõ ràng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với taxi truyền thống.

Liệu sẽ có một làn sóng taxi truyền thống chuyển đổi thành taxi công nghệ không, thưa ông?

Đúng là trên thực tế, có nhiều hãng taxi truyền thống đang có mong muốn chuyển thành taxi công nghệ. Nhưng vấn đề ở chỗ, hiện nay, luật pháp chưa cho phép chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ.

Hơn nữa, trên thực tế, tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý duy nhất dành cho taxi công nghệ là Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Hiện tại, Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được lấy ý kiến góp ý nhưng cũng chỉ dừng ở mức Dự thảo nên chúng ta chưa thể xác định được taxi thuộc phương thức kinh doanh nào.

Ông có nói nút thắt này nằm ở các chính sách, vậy theo ông, làm thế nào để gỡ nút thắt này?

Tôi được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được đưa ra lấy ý kiến. Đây là cơ hội thích hợp để sửa đổi những quy định lần này, để taxi truyền thống được bình đẳng với taxi công nghệ.

Cụ thể, chúng ta phải sửa đổi những gì, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ Dự thảo lần 9 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Tại Dự thảo lần này, Bộ Giao thông vận tải vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu taxi công nghệ phải đeo mào.

Những quy định cũ kỹ này vô hình chung đã kéo taxi truyền thống về bằng với taxi công nghệ. Do đó, tôi cho rằng điểm nghẽn đầu tiên cần phải tháo bỏ trong việc quản lý các loại hình kinh tế này là điểm nghẽn của tư duy. Chúng ta luôn lấy lý do đảm bảo an toàn cho người dùng để quản lý các loại hình kinh tế mới trong khi có quá nhiều cách để quản lý các loại hình kinh tế này mà không phải là siết chặt các điều kiện kinh doanh.

Taxi công nghệ đã tạo ra một xu thế về kinh tế nền tảng và mở đường cho cách thức tiếp cận kinh tế chia sẻ rồi nâng tầm kinh tế chia sẻ lên. Sự lúng túng của các nước, không riêng gì Việt Nam, chủ yếu là sự tác động của nó đến những hoạt động tương tự, gần giống với những ngành nghề truyền thống khác. Chẳng hạn, ngành vận tải truyền thống sẽ bị mất đi một lượng khách hàng đáng kể bởi các nền tảng như Uber và họ phản ứng dữ dội ở cấp độ toàn cầu.

Tiếp đó, phải cắt bỏ hoàn toàn các điều kiện kinh doanh dành cho taxi truyền thống.  Đã đến lúc, Việt Nam phải thừa nhận sự phát triển của các mô hình tế mới chứ không phải là gò ép chúng vào khuôn khổ cũ, kéo chúng cho bằng taxi truyền thống.