Sinh viên bị lừa khi kiếm việc làm thêm giáp Tết

0
314

Sinh viên bị lừa khi kiếm việc làm thêm giáp Tết là bài báo trên báo ANTĐ điện tử, trong bài báo này có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Tiến Hòa từ công ty Luật SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

ANTĐ – Vào thời điểm này, khi học kỳ I đã kết thúc, để có tiền tiêu Tết, nhiều sinh viên đang tìm kiếm việc làm thêm theo kiểu thời vụ. Nắm được nhu cầu, những trung tâm giới thiệu việc… lừa cũng tung ra nhiều “chiêu” để kiếm khách. Cả tin, không ít sinh viên đã mắc bẫy, đặc biệt là sinh viên năm đầu chưa có kinh nghiệm…

việc làm
Nhu cầu tìm việc làm dịp Tết của sinh viên là rất lớn
Mắc bẫy “lương cao, việc nhàn”

Một tháng trước Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm trong kinh doanh nên nhu cầu thuê nhân viên thời vụ của nhiều cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp… tăng cao. Điều này tạo thuận lợi cho không ít sinh viên làm thêm, vừa có thu nhập, lại tích lũy được kinh nghiệm sống. Những công việc thường được sinh viên lựa chọn là dọn nhà, chở hàng thuê, đóng gói quà, bán hàng, chạy bàn ở các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn hay phát tờ rơi…Nguyễn Bích Nga – sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, do gia đình kinh tế khó khăn nên để có tiền phụ giúp bố mẹ chi tiêu dịp Tết, Nga tranh thủ làm thêm ở cửa hàng bán đồ ăn nhanh. “Trung bình em làm 8 tiếng/ngày, bắt đầu từ 13h chiều, làm thêm giờ sẽ có thêm thu nhập nên trong 1 tháng giáp Tết, em cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Tuy vậy, công việc khá vất vả và hầu như hôm nào cũng phải về nhà muộn, ăn uống thất thường, người mệt mỏi rã rời, nên không muốn ngó ngàng đến bài vở. Dù sao em cũng may mắn hơn một số bạn khác là không bị chủ quỵt tiền công” – Nga cho biết.

Tương tự, đã 3 năm nay Đào Đình Hòa – sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải đều tìm việc làm thêm dịp giáp Tết. Hòa thường làm là chạy bàn ở quán cà phê và đi giao hàng. Hòa kể: “Năm ngoái, em nhận giao hàng cho một cửa hàng chuyên kinh doanh bánh kẹo, bia rượu trên khu vực phố cổ. Để giữ chân nhân viên, chủ cửa hàng hứa nếu ở lại làm hết ngày 30 Tết, ngoài tiền lương sẽ được thưởng thêm 500.000 đồng. Tuy vậy, đến tối 30 Tết số tiền em nhận được chỉ là tiền công, số tiền chủ hứa thưởng không thấy đâu. Em hỏi thì nhận được câu trả lời do có một vài hôm em giao hàng chậm nên bị phạt”.

Trước nhu cầu làm thêm của các sinh viên, những trung tâm giới thiệu việc (TTGTVL… lừa) cũng tung ra nhiều “chiêu” tuyển dụng hấp dẫn. Lương cao, trả tiền công theo ngày, không yêu cầu cao về học vấn… là cách thức phổ biến mà các trung tâm này áp dụng. Vũ Thu Phương, sinh viên trường ĐH Quản trị kinh doanh – một trong những nạn nhân của TTGTVL lừa đảo cho biết, giáp Tết năm trước, khi đọc được tin (đăng trên facebook) tuyển người bán hàng trong siêu thị với mức lương 130.000 đồng/ngày của một trung tâm trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), Phương phấn khởi đến nộp hồ sơ. Tại đây Phương được nhân viên tư vấn yêu cầu nộp 200.000 đồng đặt cọc. Đến ngày hẹn, Phương đến làm việc mới biết siêu thị này không tuyển người, đến TTGTVL thì được hứa: “Về nhà đợi vài hôm, nếu muốn đi làm ngay thì nộp thêm tiền”?!

Không nên a dua theo phong trào

Có thể nói, thủ đoạn chung của các TTGTVL lừa đảo là thường yêu cầu người tìm việc nộp một khoản tiền đặt cọc (từ 100-300.000 đồng) để… giữ chỗ nếu muốn đi làm ngay. Cả tin, không ít sinh viên đã mắc bẫy, đặc biệt là sinh viên năm đầu chưa có kinh nghiệm. Thậm chí, ngay cả những người đã tìm được việc làm cũng có thể ra về không công sau một thời gian làm việc cật lực do sơ ý trong khi bán hàng để mất hàng, tiền nên phải đền hoặc đi giao hàng không may làm hư hỏng, giao chậm giờ bị trừ lương…

Về vấn đề trên, theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, công ty Luật SBLAW – Đoàn Luật sư Hà Nội, thủ đoạn của các TTGTVL lừa đảo tuy không mới song vẫn có nhiều sinh viên bị lừa. Để tránh rơi vào tình trạng này, mỗi sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm cần đến những địa chỉ có uy tín, có tư cách pháp nhân và trụ sở rõ ràng. Khi nộp bất cứ khoản tiền nào phải yêu cầu bên thu đưa phiếu thu có đóng dấu để có căn cứ giải quyết tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, dù công việc diễn ra trong thời gian ngắn nhưng khi giao kết với chủ sử dụng lao động phải lập thành văn bản với các quy định chặt chẽ, đặc biệt là số tiền công, thời gian thanh toán…

Theo cơ quan quản lý về lao động, trong quý I-2015, nhu cầu việc làm thời vụ có xu hướng tăng mạnh. Lợi dụng việc sinh viên thiếu cảnh giác, một số cá nhân đã tung tin tuyển dụng không đúng sự thật nhằm trục lợi. Do đó, khi có nhu cầu tìm việc làm, sinh viên cần theo dõi thông tin thị trường lao động, mỗi người nên tìm cho mình công việc, môi trường làm việc phù hợp với khả năng của bản thân, không nên làm thêm theo kiểu phong trào vừa mất thời gian, công sức, vừa ảnh hưởng đến việc học tập. Những sinh viên mới nên học hỏi kinh nghiệp của các anh chị khóa trước, nhận việc qua giới thiệu của người thân, bạn bè….

Nguồn: anninhthudo.vn/xa-hoi/sinh-vien-bi-lua-khi-kiem-viec-lam-them-giap-tet/593062.antd