Coca Cola đã từng sử dụng slogan “Mở lon Việt Nam” cho hoạt động quảng cáo sản phẩm của mình. Tuy nhiên, slogan bị xem là trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam và Coca Cola đã bị xử phạt hành chính. Cụ thể, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola. Công văn nhấn vào slogan “Mở lon Việt Nam” của nhãn hàng này. Cụm từ “Mở lon Việt Nam” được cho là có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Slogan này cũng bị cho là không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19 luật Quảng cáo.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho rằng “Mở lon Việt Nam” là cụm từ không rõ ràng về sản phẩm. Nó không rõ là mở lon gì và cụm từ “lon Việt Nam” không có nghĩa. Chưa kể, chữ “lon” này theo bà, có thể bị thêm mũ, thêm dấu trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời. “Nó mà ở ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ, thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất khủng khiếp nếu chữ đó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời. Quan điểm của tôi là không cấm nhưng phải sửa”, bà nói. Bà Hương còn cho biết, đặt từ “lon” cạnh từ “Việt Nam” là việc rất nhạy cảm.
Động thái này của Cục Văn hoá cơ sở đã gây xôn xao dư luận, tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đối với vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những chia sẻ cá nhân đối với truyền thông. Nội dung bài phỏng vấn như sau:
Câu hỏi: Theo ông, slogan “Mở lon Việt Nam” có phải làm hành động vi phạm thuần phong Mỹ tục của Việt Nam không?
Trả lời: Theo quan điểm của cá nhân tôi, slogan Mở Lon Việt Nam không vi phạm thuần phong mỹ tục, tuy nhiên, phải nhìn slogan này dưới nhiều góc nhìn khác nhau, góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, góc nhìn của doanh nghiệp và của luật sư.
Có thể dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước thì đây là hành động vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam vì những lập luận và lý giải của họ.
Câu hỏi: Ông có bình luận gì về quyết định của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)?
Trả lời: Quyết định xử phạt và đề nghị doanh nghiệp thay đổi slogan đã được đưa ra, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đây là một quyết định khá khiên cưỡng và ảnh hưởng tới việc kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Nhiều người còn có những suy diễn, bình luận về những chiêu trò của doanh nghiệp thông qua vụ xử phạt của cơ quan nhà nước dẫn tới việc xử phạt được coi như là một kênh PR cho doanh nghiệp, điều này vô tình làm giảm giá trị của quyết định xử phạt.
Bên cạnh đó, việc quy định thế nào là hành vi trái thuần phong mỹ tục trong hoạt động marketing quảng cáo trong vụ việc này mang tính chất chủ quan, định tính nhiều hơn.
Câu hỏi: Theo ông, làm thế nào để có thể hạn chế được những vụ việc tương tự diễn ra?
Trả lời: Để hạn chế những trường hợp tương tự, theo quan điểm của tôi, khi có một sự việc diễn ra, cơ quan quản lý trước khi ra quyết định xử phạt cần tiến hành lập một hội đồng, có đại diện của doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các nhà văn hóa, khoa học, hội đồng sẽ xem xét vụ việc và đưa ra ý kiến một cách khách quan.
Cơ quan quản lý có thể tham khảo ý kiến của hội đồng để đưa ra những quyết định phù hợp, tránh gây ra những phản ứng tiêu cực cho cộng đồng.