Sở hữu trí tuệ trong môi trường điện tử: Còn nhiều thách thức

0
437

Đây là nhận định chung của cả cơ quan quản lý, các luật sư lẫn doanh nghiệp khi tham gia tọa đàm “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử” diễn ra chiều 26/4 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, của Internet, cũng như các mạng xã hội, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Đây cũng là hình thức kinh doanh thu hút được sự quan tâm của không ít các nhà sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh rất nhiều lợi ích mà loại hình kinh doanh này mang lại, nó đặt ra không ít thách thức cho các nhà quản lý, cho các doanh nghiệp, trong đó phải kể tới vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Một số luật sư tham gia tọa đàm cho biết họ đã phải giải quyết rất nhiều vụ việc có liên quan tới tên miền, còn doanh nghiệp thì phải bỏ ra không ít tiền để đăng ký tên miền là tên các nhãn hàng được bảo hộ, đề phòng bị đăng ký mất (như MASAN).

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: “Chính phủ và Bộ Khoa học Công nghệ cùng các bộ, ngành đã và đang nỗ lực trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, tuy nhiên hoạt động này còn gặp không ít khó khăn và vướng mắc”.

Thực tế, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử có thể chia làm 3 dạng hành vi: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử, cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới tên miền và quảng cáo hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể xác định được hành vi xâm phạm, nhưng việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lại không hề đơn giản. Theo bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, những khó khăn vướng mắc đó bao gồm: doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề; khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó khăn trong thu thập chứng cứ; trong xác định giá trị hàng hóa xâm phạm; quy định pháp luật chưa hoàn thiện; lực lượng chức năng thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý…

Nhìn nhận về hệ thống pháp luật Việt Nam trong vấn đề sở hữu trí tuệ, ông John Hill – quyền Phó đại sứ, đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam – chia sẻ: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đồng nghĩa với bảo vệ sáng tạo, bảo vệ khả năng phát triển. Việt Nam có một hệ thống pháp luật tương đối ổn với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng việc thực thi ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số khi những kẻ cắp dễ dàng bán đồ ăn cắp trên mạng”.

Trong tình hình đó, với vai trò là cơ quan quản lý các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng – cho biết: “Cục Sở hữu trí tuệ sẽ bổ sung chế tài thực thi trong môi trường giao dịch điện tử, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý tranh chấp tên miền, cung cấp ý kiến chuyên môn trong việc xác định các vấn đề liên quan tới vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Hi vọng, với những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, việc nâng cao ý thức của doanh nghiệp, môi trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ dần trong sạch hơn trong vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nguồn: http://canthostnews.vn/Default.aspx?tabid=82&NDID=58500&keyword=So-huu-tri-tue-trong-moi-truong-dien-tu:-Con-nhieu-thach-thuc