Sở hữu trí tuệ trong thời kỳ hội nhập

0
421

Luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nhân dân về chủ đề sở hữu trí tuệ trong thời kỳ hội nhập.

Mời Quý vị xem nội dung bài phỏng vấn tại đây:

Câu hỏi: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong thời kỳ hội nhập hiện nay?

Trả lời: Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bằng việc tham gia vào các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong các hiệp định này, các vấn đề về cam kết về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn giữ một vai trò quan trọng.

Vì vậy, hiện nay, Việt Nam cần tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ từ hệ thống pháp luật cho tới hệ thống các cơ quan thực thi quyền để đảm bảo chúng ta tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các cam kết mà chúng ta đã ký kết.

Nền kinh tế thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, các doanh nghiệp muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì phải có tài sản trí tuệ, đó là lợi thế cạnh tranh rất lớn, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đầu tư để tạo ra các tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình.

Câu hỏi: Hiện nay, tại Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ đang được triển khai như thế nào?

Trả lời: Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm 2 mảng, mảng thủ tục xác lập quyền và mảng thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đối với mảng xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hiện nay Việt Nam làm khá tốt, các cơ quan tiếp nhận đơn đăng ký như Cục sở hữu trí tuệ và Cục bản quyền đã cải thiện chất lượng tiếp nhận đơn đăng ký và xử lý đơn, việc chậm chễ về việc thẩm định và cấp văn bằng đã được cải thiện nhiều.

Công tác thực thi quyền như hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành và các cơ quan hải quan, cơ quan cảnh sát đã có những nỗ lực nhưng hiện tượng vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều và phổ biến, hoạt động phát hiện và xử lý còn chưa kịp thời.

Điều này đòi hỏi công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ cần được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Câu hỏi: Tình trạng vi phạm luật sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam được biểu hiện ở các mặt như thế nào?

Trả lời: Việc vi phạm luật sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền tại Việt Nam đang tăng về số lượng vụ việc và tính chất phức tạp của vụ việc. Các doanh nghiệp có tài sản sở hữu trí tuệ cũng đang lo lắng về tình trạng vi phạm này, điều đó tạo cảm giác không yên tâm về hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Các cơ quan thực thi cũng đã có những nỗ lực xử lý, tuy nhiên, do lực lượng mỏng, trình độ không đồng đều ở các cơ quan trung ương và địa phương thành ra đôi khi kết quả xử lý còn chưa đáp ứng được các kỳ vọng của doanh nghiệp.

Câu hỏi: Xây dựng một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam, quá trình này đang được triển khai như thế nào?

Trả lời: Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ bằng việc sửa đổi và bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tiến, bên cạnh đó, mỗi khi Việt Nam tham gia một điều ước quốc tế về SHTT thì Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện các quy định để đảm bảo sự phù hợp giữa nội luật và điều ước quốc tế.

Việt Nam cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để họ hiểu và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Vấn đề lớn nhất là xây dựng các cán bộ và cơ quan thực thi hiệu quả, làm việc chí công vô tư và là chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư.

Câu hỏi: Làm thế nào để việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của VN trong bối cảnh hội nhập có hiệu quả, mang tính đồng bộ hơn?

Trả lời: Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân về việc sáng tạo, tạo ra tài sản sở hữu trí tuệ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, bên cạnh đó, khi có tài sản trí tuệ rồi, hoạt động bảo hộ cũng rất quan trọng, đảm bảo lòng tin cho doanh nghiệp.

Việc thực thi quyền cần tiến hành làm triệt để, xây dựng được hệ thống toà án chuyên trách về sở hữu trí tuệ, đảm bảo các vi phạm phải được xử lý nhanh chóng và kịp thời.

Luôn rà soát và hoàn thiện hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ.