Sự cần thiết của việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động

0
1480

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về vấn đề “Sự cần thiết của việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động!” trên chương trình Bạn và pháp luật của phát thanh Vì an ninh Tổ quốc. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, theo dõi việc xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, ông có suy nghĩ gì?
Trả lời 

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 bằng dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Việc xây dựng Luật CSCĐ là một bước quan trọng để thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nói chung; pháp luật về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Có ý kiến cho rằng: Trước nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu như thế nào đối với việc xây dựng các quy định ở tầm Luật để điều chỉnh các hoạt động, tổ chức, chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát cơ động. Luật sư có chia sẻ gì về ý kiến này?

Trả lời 

Xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cụ thể là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia… tác động ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của CSCĐ.

 

Luật sư đánh giá như thế nào về tính thời điểm của việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động?
Trả lời

Lực lượng Cảnh sát cơ động đóng vai trò nòng cốt thực thi nhiệm vụ và phát huy tính xung kích, sức mạnh, thiện chiến, tinh nhuệ, sử dụng trấn áp, giải quyết các vấn đề mất an ninh trật tự rất nhanh, hiệu quả trong trấn áp của lực lượng thực thi pháp luật.

Không chỉ vậy, trong phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, … sự tham gia của lực lượng Cảnh sát Cơ động cũng mang lại hiệu quả cao. Như trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh vừa qua, tỉnh Bắc Giang không chỉ huy động lực lượng Cảnh sát Cơ động tỉnh mà còn nhận được sự chi viện Cảnh sát Cơ động của Bộ Công an. Lực lượng này là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tăng cường tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự, đồng thời còn thực thi giữ vững các chốt chặn, thực hiện kiểm soát ra vào vùng dịch, khu vực cách ly rất hiệu quả. Khi các lực lượng tuyến đầu buộc phải cách ly, lực lượng Cảnh sát Cơ động đã kịp thời bổ sung thay thế và thực hiện ngay lập tức các nhiệm vụ đó.

Đồng thời, diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, xã hội trong – ngoài nước và sự thay đổi về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đã, đang và sẽ đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với lực lượng Cảnh sát cơ động, do đó có thể khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng này cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

 

Theo quan điểm của Luật sư, sự cần thiết của việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là gì? 
Trả lời

Ngày 23/12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) số 08/2013/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2014. Pháp lệnh CSCĐ được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSCĐ nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, lực lượng CSCĐ đã được đầu tư xây dựng và trưởng thành, phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện các phương án tác chiến trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí. 

Tuy nhiên, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CSCĐ hiện nay mới là Pháp lệnh, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ trong tình hình hiện nay, đồng thời, Pháp lệnh cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Đơn cử như Pháp lệnh chưa có quy định về cơ chế phối hợp, chỉ huy, chỉ đạo khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là các vụ việc phức tạp phải điều động lực lượng của Bộ Tư lệnh CSCĐ tăng cường cho các địa phương.

Tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 đang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Do đó, cần thiết phải luật hóa các quy định này để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 cũng như tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Dự án án Luật Cảnh sát cơ động được soạn thảo dựa trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013. Luật sư Nguyễn Thanh Hà có thể phân tích những điểm mới ở Luật Cảnh sát cơ động  để thính giả nghe đài hiểu hơn về dự án luật này
Trả lời 

So với Pháp lệnh, Dự thảo Luật CSCĐ đã quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh CSCĐ, bổ sung thêm 2 quyền hạn, gồm:

Thứ nhất là được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Quyền hạn thứ hai được bổ sung thêm cho Cảnh sát cơ động là ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, Dự thảo quy định rõ hơn việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ

Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với CSCĐ đã được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật. Đặc biệt là thẩm quyền ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức là do người chỉ huy trực tiếp phương án tác chiến quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Thứ ba, Dự thảo Luật bổ sung thêm nhiệm vụ: Tham gia phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của CSCĐ.

Ngoài ra, theo dự thảo Luật, thẩm quyền điều động của Tư lệnh CSCĐ được điều chỉnh theo hướng quyết định điều động các đơn vị CSCĐ thực hiện nhiệm vụ theo phương án tác chiến để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong việc điều động CSCĐ, phù hợp với các tình huống cụ thể nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật là bổ sung thêm nhiệm vụ,  quyền hạn cho Cảnh sát cơ động (như được mang vũ khí lên tàu bay, tàu thủy, được ngăn chặn thiết bị bay không người lái gây nguy hiểm đến người đang làm nhiệm vụ…). Tính cần thiết của vấn đề này như thế nào?
Trả lời

Trong thực hiện nhiệm vụ ở một số trường hợp như chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, …, lực lượng CSCĐ cần phải được mang theo vũ khí, trang bị lên tàu bay, vào cảng hàng không để kịp thời xử lý các vụ việc, bảo vệ an ninh, an toàn hàng đặc biệt và các đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không.

Đối với quy định CSCĐ được mang vũ khí lên tàu bay trong trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động nhằm kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ thời gian qua.

Bên cạnh đó, hiện nay các loại phương tiện bay được sử dụng rất rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ấn nguy cơ đe đọa gây mất an toàn các mục tiêu bảo vệ. Do vậy, việc quy định quyền hạn cho CSCĐ ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ là cần thiết.

Đây là điểm mới, khác với quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017 là chỉ được nổ súng vào “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa”. Vì vậy, cần đánh giá tác động cụ thể, nếu cần thiết thì đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

Có ý kiến cho rằng, trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, quyền hạn của cảnh sát cơ động quá rộng, cần có quy định cụ thể hơn, để tránh chồng chéo với các lực lượng khác. Quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Hà thì sao?

Trả lời: 

Việc thực hiện quyền hạn của CSCĐ có liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ nên cần tiếp tục được rà soát, bảo đảm tính cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn; bảo đảm tính khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền. Theo đó, cần có quy định cụ thể hơn, để tránh chồng chéo với các lực lượng khác.

Cụ thể, Dự thảo Luật chưa xác định rõ phạm vi, không gian hoạt động của CSCĐ nên có thể dẫn đến chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác đã được pháp luật hiện hành quy định. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, đối chiếu quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an Nhân dân, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, … để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.


Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động có đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tránh được những quy định chồng chéo giữa các luật, nghị định, pháp lệnh khác không, thưa Luật sư? Đơn cử như việc tuần tra kiểm soát vi phạm trên đường, quyền huy động phương tiện của CSCĐ trong dự thảo Luật có gì khác so với các quy định hiện hành?
Trả lời  

Quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSCĐ tại Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại Pháp lệnh CSCĐ 2013 và hiện nay hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSCĐ được Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tại Thông tư số 58/2015/TT-BCA. 

Dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ thẩm quyền huy động của CSCĐ chỉ trong trường hợp cấp bách khi thực hiện các nhiệm vụ chính và do CSCĐ chủ trì như chống khủng bố, giải cứu con tin, chống biểu tình, bạo loạn, bảo vệ mục tiêu, tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có thể xảy ra. Quy định này cũng phù hợp với quy định về thẩm quyền huy động của cán bộ, chiến sĩ CAND được quy định tại khoản 16 Điều 16 Luật Công an nhân dân 2018. Đồng thời, tại luật về một số lực lượng đã được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây cũng có chế định quy định về việc huy động như Luật Cảnh vệ năm 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.

Với cá nhân luật sư Nguyễn Thanh Hà, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của Dự thảo Luật CSCĐ?
Trả lời 

Dự thảo Luật CSCĐ kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của Pháp lệnh hiện hành về CSCĐ. Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của CSCĐ. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 

Dự thảo Luật bước đầu đã đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, Ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến, rà soát, bổ sung và giải trình nghiêm túc, hợp lý nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15, Dự án luật CSCĐ sẽ được xem xét và thông qua. Vậy để Luật đi vào cuộc sống, theo Luật sư cần phải những tập trung vào những khía cạnh nào?
Trả lời 

Yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của CSCĐ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, vì vậy, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc hơn cho CSCĐ thực thi nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Để Luật CSCĐ đi vào cuộc sống, trước tiên cần khảo sát thực tế ở địa phương, nhất là việc khảo sát thực tế mối quan hệ phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng vũ trang đứng chân trên các địa bàn trọng yếu, nơi thường xuyên có thể xảy ra các vụ việc đột xuất, bất ngờ liên quan đến an ninh, trật tự. 

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện và tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng vũ trang để đưa ra những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát cơ động được trang bị đầy đủ các loại vũ khí, phương tiện hiện đại nhất, trang bị các loại biện pháp và phương pháp tiến hành công tác một cách tinh nhuệ và chuyên nghiệp nhất để giải quyết được những vụ việc một cách có hiệu quả nhất.