Sự cần thiết phải đăng kí nhãn hiệu ở nước ngoài

0
372

Hệ thống kinh tế thị trường đang được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới cho phép các chủ thể tham gia được tự do cạnh tranh và chịu sự ràng buộc về mặt pháp luật. Quyền tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được coi là mô hình tốt nhất thỏa mãn mô hình cung – cầu của nền kinh tế và đáp ứng một cách tốt nhất cho lợi ích của người tiêu dùng cũng như của nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với tự do cạnh tranh, những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác cũng thường xuyên diễn ra.

Các doanh nghiệp có dự định mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài càn tìm ra những biện pháp để bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong đó, việc tiến hành đăng kí kịp thời bảo hộ nhãn hiệu – vốn là tài sản vô hình quan trọng của mỗi doanh nghiệp là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Lý do đơn giản là vì, việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính lãnh thổ và luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới thường áp dụng nguyên tắc “Ai nộp đơn trước, người đó sẽ được bảo hộ trước”. Chỉ có một số ít quốc gia áp dụng nguyên tắc “Người sử dụng đầu tiên” mà theo đó, người sử dụng nhãn hiệu đầu tiên tại một quốc gia sẽ có  quyền đăng kí để trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu đó.

Xuất phát từ nguyên tắc “Ai nộp đơn trước, người đó sẽ được bảo hộ trước”, đối tác ở nước ngoài có thể tự động đăng kí để sở hữu nhãn hiệu uy tín của doanh nghiệp Việt Nam tại nước họ. Sau đó, đối tác này gửi yêu cầu tới các cơ quan chức năng tại nước họ để không cho nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu uy tín của doanh nghiệp Việt Nam với lí do xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ của họ. Thậm chí, đối tác có thể ép giá hoặc đưa ra yêu cầu giảm giá đối với các hàng hóa mang nhãn hiệu uy tín của doanh nghiệp Việt Nam khi được xuất khẩu và phân phối thông qua đối tác này. Trường hợp của Võng xếp Duy Lợi tại thị trường Nhật Bản là một ví dụ điển hình.

Ngay cả tại những quốc gia áp dụng nguyên tắc “Người sử dụng đầu tiên” như Hoa Kỳ hay Singapore, các đối tác nước ngoài vẫn có thể tự động đăng kí để sở hữu nhãn hiệu uy tín của Việt Nam. Khi doanh nghiệp Việt Nam phát hiện ra sự việc này và khởi kiện đòi lại quyền sở hữu nhãn hiệu thì thường phải đối mặt với các yêu cầu rất phức tạp về mặt thủ tục, mất rất nhiều chi phí về mặt thời gian, tiền của và công sức (trong khi rủi ro không thắng kiện là cao). Điển hình là các tranh chấp đòi lại quyền sở hữu nhãn hiệu  của Petro Vietnam và Cà phê Trung Nguyên tại Hoa Kỳ, do là các doanh nghiệp này không đăng ký kịp thời nhãn hiệu của mình tại quốc gia này và bị đối tác, cá nhân khác đăng kí trước.