Sửa đổi luật để phù hợp với TPP.

0
415

Nhận lời mời của ban biên tập kênh VTV4, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời về những nội dung về sửa đổi luật để phù hợp với TPP.
Sau đây là toàn văn nội dung bài phỏng vấn:
Câu hỏi: Rà soát ban đầu, cùng với 10 Bộ Luật và đạo Luật, còn có 22 Nghị định và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải sửa đổi, bổ sung, ông nghĩ như thế nào về số lượng văn bản phải sửa đổi, bổ sung?
Trả lời: Qua thông tin nêu trên, tôi có thể khẳng định là số lượng các văn bản cần sửa đổi và bổ sung như trên là rất lớn. Có thể khẳng định so với 11 quốc gia thành viên khác trong TPP, Việt Nam là quốc gia mà phải sửa đổi và bổ sung nhiều luật và văn bản dưới luật nhất.
Điều này khẳng định là hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều quy định chưa tương thích với TPP và đặt ra vấn đề là cần phải sửa đổi bổ sung.
Việc sửa đổi và bổ sung là một thách thức lớn cho Việt Nam sau quá trình hoàn thiện các quy định của luật khi Việt Nam ra nhập WTO.
Chúng ta còn nhớ là khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã hoàn thành một cách đầy đủ nghĩa vụ về việc sửa đổi và bổ sung các quy định để tương thích với WTO, lần này các quy định trong TPP còn đòi hỏi cao hơn, đây cũng là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hơn thể chế và pháp luật.
Chúng ta cũng biết rằng, nhiều quốc gia trong TPP trong đó có Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, một trong những lý do đó là hệ thống pháp luật của chúng ta chưa tương thích với hệ thống pháp luật thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Vì vậy với quy định này, hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội hoàn thiện pháp luật, sớm được các đối tác lớn công nhận thể chế kinh tế thị trường.
Câu hỏi: Theo ông, có thách thức/khó khăn gì không trong việc sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương lần này?
Trả lời: Rõ ràng là có quá nhiều thách thức và khó khăn trong việc sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật.
Có quá nhiều văn bản cần sửa đổi là một thách thức cho cơ quan soạn thảo bởi quy trình để sửa đổi, bổ sung một văn bản sẽ mất nhiều thời gian, công sức của các bên.
Thách thức nữa là khi sửa đổi bổ sung, làm sao để có thể lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, qua đó có thể tuyên truyền được các thay đổi để các đối tượng tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể hiểu, tận dụng những cơ hội và chuẩn bị những điều kiện để vượt qua những thách thức mà TPP mang lại.
Một trong những thách thức nữa là vấn đề thực thi, hiện nay, việc thực thi luật trên thực tế của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhiều nhà đầu tư rất quan ngại về việc luật quy định một đằng, trên thực thế làm một nẻo.
Câu hỏi: Việc sửa lần này cần tập trung vấn đề gì nhất/vấn đề nào đáng chú ý nhất để doanh nghiệp thực sự nắm bắt được các cơ hội từ TPP? Tại sao? Dưới góc độ là luật sư, ông có đóng góp gì không?
Trả lời: Những chính sách mới và quy định mới bao giờ cũng mang lại những thời cơ và thách thức cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, một trong những vấn đề mà có lẽ chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm đó là việc cải cách doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần TPP.
Trong TPP đã dành hẳn một chương để quy định về doanh nghiệp nhà nước, vấn đề của Việt Nam là hiện nay là các doanh nghiệp nhà nước đang nắm nhiều lợi thế tuy nhiên kinh doanh không hiệu quả, còn gây thất thoát vốn của nhà nước và đặc biệt là tạo ra sự không bình đẳng với cộng đồng kinh tế tư nhân.
Nếu vào TPP, với những quy định rõ ràng và theo tiêu chuẩn mới, chúng ta sẽ có cơ hội cải cách doanh nghiệp nhà nước tốt hơn.
Là một luật sư, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn vào việc làm chính sách và luật của chính phủ và quốc hội, chúng tôi mong muốn, các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, của luật sư được lắng nghe nhiều hơn và tránh để lợi ích nhóm vào quá trình xây dựng chính sách.