Trong bài viết Tại sao chậm trễ kỷ luật hiệu trưởng lừa dối vụ học sinh gãy chân? đăng trên Danviet có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, mời Quý vị xem nội dung bài báo:
(Dân Việt) Mỗi ngày trôi qua, vụ việc một học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị gãy chân trong trường lại được hé lộ thêm những tình tiết dối trá. Đã 10 ngày kể từ khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các bên liên quan xem xét đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của bà Tạ Thị Bích Ngọc, nhưng vẫn chưa có quyết định nào được thực thi.
Một vụ việc ban đầu được đánh giá là … không có gì to tát đã trở thành một vụ “lùm xùm” tai tiếng khiến dư luận bất bình, chỉ bởi từ cách cư xử không đúng của bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Cho đến thời điểm này, đã hơn 2 tháng kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, thực hư sự việc này ra sao dư luận vẫn phải chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.
Nói về sự việc này, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong ngày 18.2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố sớm có kết luận, xử lý nghiêm khắc vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, nếu có sai phạm, để đảm bảo kỷ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng 3 lần trực tiếp nhắc nhở người đứng đầu TP.Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ việc một cách nghiêm túc.
Ngày 6.2, tại cuộc họp của UBND TP.Hà Nội với lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của bà Tạ Thị Bích Ngọc để chờ kết luận vụ việc.
Nhiều giáo viên trong trường bức xúc vì bị ảnh hưởng danh dự.
Tuy nhiên, hơn 10 ngày sau khi có chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, trả lời báo chí về hướng xử lý vụ việc, bà Nguyễn Thanh Tịnh – Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội – vẫn cho biết, phòng đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. “Hiện phòng đang nghiên cứu các văn bản pháp quy để tham vấn cho lãnh đạo quận thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP” – bà Tịnh nói.
Về việc bà Tạ Thị Bích Ngọc chưa bị đình chỉ chức vụ trong thời gian điều tra, theo nhiều giáo viên của Trường Tiểu học Nam Trung Yên, điều này sẽ gây bất lợi cho những người muốn đứng ra nói về sự việc.
“Nhiều giáo viên trong trường bức xúc về việc phiếu khảo sát 100% giáo viên và học sinh không nhìn thấy xe taxi đi trong sân trường, vụ tâm thư đề nghị giữ lại hiệu trường… gây ảnh hưởng đến danh dự của thầy cô. Các thầy cô rất muốn gặp báo chí tại trường để nói rõ sự việc. Tuy nhiên, đến chiều 17.2, Hiệu trưởng Ngọc vẫn đang làm việc tại trường và không cho báo chí vào trường gặp thầy cô nên giáo viên không làm gì được” – một giáo viên trường Nam Trung Yên nói.
Chia sẻ với báo chí, anh Trần Trí Dũng – phụ huynh cháu Trần Chí Kiên – cho biết, gia đình rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận về vụ việc.
“Cái mà chúng tôi muốn biết là sự thật đằng sau việc con tôi bị gãy chân tại trường ra sao, còn việc bà Ngọc có bị đình chỉ chức vụ hiệu trưởng hay không, gia đình tôi không quan tâm nhiều” – anh Dũng nói. Tuy nhiên, anh Dũng cũng thừa nhận, nếu trong quá trình điều tra, bà Ngọc vẫn còn giữ nguyên chức vụ thì nhiều người có liên quan sẽ không dám đứng lên nói thật vì sợ ảnh hưởng đến công việc sau này của mình.
Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT – cho rằng, ngành nghề nào cũng cần trung thực và đặc biệt giáo dục càng cần trung thực.
“Trong vụ việc này, theo tôi nếu sai thì nhận lỗi, như thế khuyết điểm sẽ nhẹ hơn. Nhưng cô hiệu trưởng đã chọn nói dối, điều này không thể chấp nhận được. Một người như vậy không xứng đáng làm hiệu trưởng của một trường. Ngành giáo dục luôn dạy học sinh trung thực. Đối chiếu với yêu cầu của ngành, một người nói dối không xứng đáng làm trong ngành giáo dục” – ông Nhĩ nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội – phân tích: “Giáo viên thiếu trung thực, kể cả những giáo viên phản ánh sai sự thật, bao che cho hiệu trưởng là vi phạm nghĩa vụ chung của viên chức được quy định tại Điều 16, Luật Viên chức. Khoản 2, điều luật này quy định: Nghĩa vụ của viên chức là “2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.”. Người vi phạm nghĩa vụ này có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP ngày 6.4.2012 của Chính phủ “ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và và trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoàn trả của viên chức”. Theo đó, tại khoản 1, Điều 4, nghị định này quy định: “Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau: 1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật Viên chức;…”.
Lê Chiên (ghi)