Tăng mức xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ

0
389

Trong chuyên mục Bạn và Pháp luật trên Đài tiếng Nói Việt Nam ngày 15/08/2016, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Nghị định 46, tăng mức xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ.

Thưa các bạn! Nghị định 46 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đã có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong Nghị định có quy định rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ bị xử phạt tăng nặng. Để làm rõ hơn những quy định mới về Luật giao thông đường bộ nói chung, cũng như những điểm mới trong Nghị định 46 nói riêng, hôm nay chúng tôi mời đến phòng thu Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Công ty Luật S&B Law.

Xin chào Luật sư Nguyễn Thanh Hà, cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình của chúng tôi.

Câu hỏi: Vâng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, qua phóng sự vừa rồi có thể thấy, đa phần người dân đồng tình với việc tăng mức xử phạt bởi có như vậy mới lập lại được trật tự trước tình hình giao thông hỗn loạn như hiện nay. Nhưng cũng còn rất nhiều thắc mắc đến từ điều khiển phương tiện giao thông. Thưa ông, còn ông, ông thấy những quy định pháp luật trong Nghị định này thế nào?

Giao thông cũng phản ánh một phần của trật tự xã hội, có thể nói, tình hình giao thông của Việt Nam hiện nay là vô cùng đáng lo ngại. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, số người chết vì tai nạn giao thông là 4300 người, ở một đất nước không còn chiến tranh, số người chết như vậy là một điều phi lý, ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng xã hội.

Để giảm bớt tình trạng giao thông hỗn loạn và số tai nạn giao thông, theo tôi nghĩ cần có nhiều giải pháp trong đó có giải pháp tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm giao thông.

Tôi hoàn toàn đồng tính với việc tăng mức xử phạt vi phạm trong Nghị định 46 của Chính phủ và hy vọng, với sự thực hiện nghiêm túc của các cơ quan chức năng, tình hình giao thông Việt Nam sẽ được cải thiện và giảm vi phạm và tai nạn giao thông.

Câu hỏi:Ông có thể cho thính giả được biết, Nghị đinh 46/2016 của Chính phủ là cụ thể, thay mới những văn bản pháp luật nào không?

Ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.

Nghị định này thay thế các văn bản sau đây:

a) Nghị định số171/2013/NĐ-CPngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

b) Nghị định số107/2014/NĐ-CPngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Câu hỏi:Như vậy là Luật thì vẫn thế, nhưng chỉ là đổi mới, bổ sung, tăng nặng mức phạt thôi, đúng không thưa ông?

Đúng là qua quá trình thực hiện Nghị định số 171 và nghị định số 107 trên thực tế đã phát sinh nhiều bất cập trong đó có bất cập là một số hành vi chưa được quy định trong Nghị định và gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.

Một bất cập nữa đó là một số vi phạm giao thông có tính chất nguy hiểm như hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông lại quy định quá nhẹ, chưa có tính chất răn đe.

 Vì vậy, sau quá trình nghiên cứu và tổng hợp thực tế, chính phủ đã ban hành Nghị định mới, có sự điều chỉnh các quy định về mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thẩm quyền xử phạt của một số chức danh.

Câu hỏi: Thưa ông, vậy những điểm mới của Nghi định 46 so với các văn bản pháp luật trước là gì?

Nghị định điều chỉnh mức phạt tiền đối với 115 hành vi vi phạm giao thông đường bộ và tăng mức xử phạt đối với một số hành vi đặc biệt nguy hiểm như:

 – Người điều khiển xe ô tô uống rượu bia bị áp dụng mức xử phạt cao nhất là 18 triệu đồng và tước GPLX 6 tháng.

 – Người điều khiển xe mô tô uống rượu bia bị áp dụng mức xử phạt cao nhất là 4 triệu đồng và tước GPLX 5 tháng.

 – Ô tô dùng đỗ xe trái quy định trên đường cao tốc bị xử phạt cao nhất là 6 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng.

 – Ô tô trở quá tải trọng của cầu đường trên 150% bị phạt cao nhất 16 triệu đồng và tước GPLX 5 tháng.

 Chủ xe quá tải cũng bị phạt tiền là 32 triệu đối với cá nhân và 64 triệu đối với tổ chức.

 Bổ sung xử phạt đối với 33 hành vi mới như:

 Ném đất đá gạch cát vào phương tiện trên đường sẽ bị xử phạt là 1 triệu đồng.

 Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại dị động bị xử phạt 800 ngàn đồng.

 Tổ chức thu phí đường bộ để ùn tắc giao thông quá 750 m sẽ từ 8 đến 70 triệu đồng.

Câu hỏi: Vâng, hơn 180 hành vi vi phạm được tăng nặng mức xử phạt. Rất nhiều phải không ạ.

Thưa Luật sư, về chủ đề mà chúng ta đang trao đổi có rất nhiều bạn thính giả quan tâm gửi thư và gọi điện đến chương trình. Như trường hợp bạn. Nguyễn Văn Nam, ở Thạch Thất, Hà Nội có gửi thư đến với nội dung:

Tôi làm tái xế taxi, tôi nghe nói là hiện tại người ngồi sau tức là khách của tôi mà không thắt dây bảo hiểm thì tôi cũng bị xử phạt, có phải không? Tôi muốn luật sư chỉ cho tôi xem cái quy định này nó ở điều nào, khoản nào. Luật giao thông có quy định không, mà tự dưng lại có Nghị định này. Nhiều lúc tôi nhắc, mà khách cứ không chịu thắt dây an toàn, chẳng lẽ tôi đuổi khách xuống.

Mời Luật sư tư vấn cho thính giả

Theo quy định tại điểm K, Điều 5 Nghị định 46 thì cơ quan chức năng có quyền xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy. Quy định này sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/1/2018.

 Mức xử phạt cho hành vi này là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Trước đó, Nghị định 171/2013/NĐ- CP quy định: Xử phạt với hành vi người điều khiển, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy hoặc chở người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy.

 Với sửa đổi này, nếu trên xe ô tô ở hàng ghế nào có thiết kế dây an toàn mà người được chở và người điều khiển không thắt đều bị xử phạt, mà không nhất thiết chỉ là hàng ghế phía trước và có trang bị dây an toàn. 

 Do đó, kể cả ghế sau, nếu có thiết kế dây an toàn người ngồi trên xe cũng phải thắt để đảm bảo an toàn cho mình và không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Câu hỏi: Một thính giả khác ở Thanh Hoá cũng vừa gọi điện thoại đến cho chương trình. Xin kết nối với bạn thính giả

Băng: Tôi thấy rằng, việc tăng mức xử phạt cũng tốt thôi. Nhưng phải làm kiên quyết, nghiêm minh. Và cơ bản là ý thức của người tham gia giao thông phải tốt, phải chấp hành, phải thực hiện Luật thì ban hành Luật mới có hiệu quả

Đây là một ý kiến trao đổi, vâng, ông suy nghĩ gì về ý kiến của thính giả này

Theo quan điểm của tôi, việc tăng mức phạt chỉ hiệu quả khi các cơ quan chức năng và người thực thi pháp luật thực hiện nghiêm minh, không có các hành vi tiêu cực.

 Các cơ quan chức năng và người dân cần giám sát việc thực thi và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, không để tình trạng tiêu cực xảy ra, ví dụ khi chủ phương tiện vi phạm thì không có hiện tượng mãi lộ và bỏ qua.

 Các cơ quan chức năng cũng phải có biện pháp yêu cầu CSGT khi thi hành nhiệm vụ không nghe điện thoại của người vi phạm đưa khi xử lý.

 Chúng ta phải học tập các nước phát triển, ngay cả khi một bộ trưởng, một thủ tướng vi phạm pháp luật giao thông thì vẫn bị xử phạt như bình thường.

Hy vọng là thình giả ở Thanh Hoá đã nghe rõ câu trả lời vừa rồi.

Câu hỏi:Chúng tôi tiếp tục đến với câu hỏi tiếp theo của bạn thính giả được gửi đến hộp thư phatthanhcongan@gmai.com với nội dung sau. Tôi xin được trích đọc

Xin chào luật sư, chào chương trình, tôi là Hoà ở thành phố Hồ Chí Mình. Tôi cũng có tuổi rồi, mà thấy ti vi, rồi báo chí bảo, luật mới có cả điều không gạt chân chống khi đi xe máy, không bật đèn xe cũng bị xử phạt. Có hay không và quy định ở đâu thưa luật sư

Cám ơn bác Hoà đã gửi thư đến chương trình và ngay sau đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà sẽ trả lời câu hỏi cho bác

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định, người điều khiển môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự khi vi phạm lỗi: “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng, ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX từ 1- 3 tháng.

Hành vi này được hiểu là người điều khiển phương tiện cố tình gạt chân chống xe hoặc dùng vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Cơ sở thực tiễn của việc xử phạt hành vi này do một số đối tượng đua xe, lạng lách, đánh võng, cố tình gạt chân chống để phát ra âm thanh, tia lửa gây mất ATGT.

Như vậy việc quên gạt chân chống và không có các hành vi kể trên thì không bị xử phạt.

Về vấn đề bật đèn xe, Nghị định quy định như sau;

Nghị định quy định bắt buộc người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) phải “Sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn”.

 Nếu người điều khiển vi phạm quy định nêu trên sẽ bị xử phạt theo mức sau đây:

+ Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy: 80.000 – 100.000 đồng (Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

Câu hỏi: Có lẽ, việc tăng mức xử phạt quy định tại Nghị định 46 được rất nhiều thính giả quan tâm, nên hiện tại chúng tôi cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi cũng như email của thính giả gửi đến chương trình. Đây là câu hỏi của bạn Vũ Minh Hoàng, vừa được kỹ thuật của chúng tôi ghi lại

Băng: Được biết từ ngày 01/8/2016, Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực. Vậy cho hỏi, trường hợp nào thì Cảnh sát giao thông được quyền xử phạt người vi phạm mà không cần lập biên bản

Mời Luật sư

Căn cứ vào Điều 56 của Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 15/02/2016), Nghị định 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/8/2016) thì CSGT xử phạt vi phạm không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp:

– Xử phạt cảnh cáo; hoặc

– Phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.

(Lưu ý: Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản).

Đối với các trường hợp xử phạt không lập biên bản nêu trên thì CSGT phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Câu hỏi: Thưa Luật sư, còn rất nhiều câu hỏi gửi đến cho chương trình, nhưng vấn đề được thính giả quan tâm nhất vẫn là các lỗi cụ thể, được tăng nặng trong Nghị định 46 như là vượt đèn vàng, nghe điện thoại khi đang điều khiển phương tiện…

Như bạn Lê Nam ở Điện Biên, bạn Hoàng Mai ở Hoà Bình, bạn Mỹ Linh ở Nam Định thì cùng gửi đến câu hỏi là:

Nghị định 46 quy định là phạt nặng với hành vi vượt đèn vàng, vậy vượt đèn vàng được hiểu theo pháp luật như thế nào, thưa luật sư?

Mời luật sư trả lời

 

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 10, Luật Giao thông đường bộ 2008, thì hệ thống đèn giao thông đường bộ gồm 3 màu: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

 “Vượt đèn vàng” là trường hợp người tham gia giao thông cố tình tiếp tục đi khi đèn chuyển sang màu vàng trước khi phương tiện chạm đến vạch dừng.

 Còn đối với hai trường hợp: (i) đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng; hoặc (ii) tiếp tục đi khi đèn vàng nhấp nháy được Luật Giao thông đường bộ cho phép, thì không bị coi là vượt đèn vàng hay không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.

 Do vậy nếu trong trường hợp đèn giao thông đã chuyển tín hiệu sang đèn vàng mà người điều khiển phương tiện giao thông vẫn cố tình vượt thì sẽ bị xử phạt.

Câu hỏi: Vâng, thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Nghị định 46 quy định rất nhiều điều khoản mới, khi mới vừa ra đời đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân. Tôi muốn hỏi, với nhiều hành vi được xử phạt tăng nặng như vậy thì thời gian áp dụng của nó như thế nào, có phải tất cả đều bắt đầu xử phạt ngày 1/8 không?

Không phải tất cả các hành vi đều áp dụng từ ngày 1/8/2016, có một số hành vi vi phạm sẽ được lùi thời hạn áp dụng, tôi có thể lấy ví dụ như sau:

– Nghe điện thoại di động khi đang lái xe ô tô

– Không đăng ký sang tên xe mô tô, xe gắn máy

– Taxi không có thiết bị in hóa đơn

– Ô tô chở hành khách vượt quá tải trọng

 Những hành vi này sẽ bị xử phạt từ ngày 1/1/2017

 Việc áp dụng quy định để xử phạt đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà về những giải đáp vừa rồi. Thưa các bạn, Nghị định 46 của chính phủ đã bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản (mới) hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 171 năm 2013 và Nghị định số 107 năm 2014 của chính phủ. Việc quy định các mức xử phạt tăng nặng đối với các hành vi vi phạm luật giao thông giúp cho ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng lên, giúp cho việc tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn.

Hy vọng qua những tư vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, quý thính giả đã có thêm những kiến thức pháp luật cần thiết trong việc tìm hiểu Luật an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 46 của Chính phủ. Chuyên mục Bạn và Pháp Luật tuần này xin được kết thúc ở đây. Một lần nữa cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Công ty luật SB Law, đã đồng hành cùng chương trình, cảm ơn các đồng chí và các bạn đã để tâm theo dõi.

Mời các bạn xem nội dung audio tại đây: