Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 475 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý”. Theo quy định trên, bên thuê tài sản có quyền cho thuê lại tài sản đang thuê, nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản. Trường hợp, tự ý cho thuê là hành vi vi phạm hợp đồng.
Cụ thể về việc cho thuê tầng tum, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào để điều chỉnh riêng về vấn đề này mà chỉ đưa ra một số điều kiện về nhà ở tham gia giao dịch trong Luật Nhà ở 2014:
– Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
– Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
– Nhà ở cho thuê phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, việc cho thuê tầng tum cũng không nằm trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo Điều 6 Luật Nhà ở 2014. Do đó, có thể làm hợp đồng cho thuê lại tài sản với đối tượng là tầng tum, miễn là đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định và bên cho thuê có quyền cho thuê lại.