Một loạt vụ án như lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhận hối lộ để duyệt cấp phép cho một số doanh nghiệp đưa người Việt về nước tránh dịch, FLC, Tân Hoàng Minh, vụ kít test Việt Á…, từ những vụ việc được khởi tố gần đây cho thấy, hành vi móc ngoặc giữa doanh nghiệp với quan chức để tham nhũng ngày một trở nên phổ biến, gây lo lắng cho xã hội.
Doanh nghiệp câu kết với cả cơ quan trung ương và địa phương nâng khống giá thành sản phẩm để trục lợi, hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thao túng, lũng đoạn thị trường với quy mô lớn.
Ý kiến chuyên gia cho rằng, hầu hết các vụ việc lớn đều có sự móc ngoặc tiếp tay rồi sân trước sân sau. Đấy chính là sự móc ngoặc của khu vực công, khu vực tư. Chúng ta không chỉ chống trong khu vực công mà chúng ta phải chống vào các khu vực tư, chúng ta phải chống cả người đưa hối lộ và chống cả người nhận hối lộ”.
Từ thực tế trên, có thể thấy, phòng chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng nếu chỉ tập trung vào khu vực công quyền. Do đó, việc Bộ Chính trị yêu cầu từng bước mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong Kết luận mới đây là định hướng quan trọng, là gọng kìm thứ hai để siết chặt và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Từng bước mở rộng công tác phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, yêu cầu trong Kết luận của Bộ Chính trị đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đảng viên và nhân dân bởi tính kịp thời, nhanh nhạy và cho thấy công tác chỉ đạo việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực sự xuất phát từ thực tiễn.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về tham nhũng ngoài nhà nước trên tạp chí Doanh Nhân Việt Nam.
Dưới đây là nội dung chi tiết:
- Luật sư nhận định thế nào về tham nhũng ngoài nhà nước?
Trả lời:
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã bị lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (được sửa đổi bởi Luật doanh nghiệp năm 2020) thì cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp trên.
Trong điều kiện hiện nay, sự kết nối các mối quan hệ công – tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen lẫn nhau. Trong một số trường hợp, khu vực ngoài nhà nước chính là nơi “rửa tiền”, “sân sau” của những hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực này.
Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
- a) Tham ô tài sản;
- b) Nhận hối lộ;
- c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Có thể thống kê các hành vi tham nhũng ngoài nhà nước bao gồm:
Thứ nhất, tham nhũng trong kinh doanh như: Hối lộ, kế toán gian dối, trốn thuế, kinh doanh nội gián, rửa tiền, tham ô và giả mạo văn bản.
Thứ hai, tham nhũng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp là dạng tham nhũng gây thiệt hại cho một, thậm chí cả hai bên. Điển hình nhất là tội biển thủ và các tội phạm đi kèm như giữ quỹ đen, rửa tiền, làm giả hồ sơ giấy tờ, thậm chí lừa đảo…
Thứ ba, tham nhũng cấu kết doanh nghiệp là dạng tham nhũng gây thiệt hại cho bên thứ ba (có thể là khu vực công hoặc khu vực tư). Loại tham nhũng này thường xuất hiện phổ biến trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, an ninh…
Thứ tư, tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp là hình thức tham nhũng gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp do sự lạm công nội bộ hoặc gây thiệt hại cho chủ doanh nghiệp. Hình thức tham nhũng này xuất hiện phổ biến trong các qui trình nhân sự, tống tiền, lạm dụng tiền trợ cấp hoặc viện trợ…
Đặc biệt, hiện nay đã xuất hiện tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng đó là tội phạm lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán – giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán…) diễn ra rất tinh vi, khó phát hiện.
Trên thực tế tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khu vực nhà nước mà giữa các doanh nghiệp với nhau cũng xảy ra hiện tượng tham nhũng. Trong nội bộ các doanh nghiệp tư nhân, cũng xảy ra hiện tượng một số người lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt tài sản; hay sự thiếu minh bạch và lành mạnh trong hoạt động của các ngân hàng, các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân… đã gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law
2- Luật sư đánh giá thế nào về tác động của tham nhũng ngoài nhà nước đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung và môi trường kinh doanh tư nhân nói riêng?
Trả lời:
Tham nhũng ngoài nhà nước đã có sự gia tăng rộng khắp trong những năm gần đây và tác hại của nó đánh giá chung càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Dưới góc độ kinh tế, tham nhũng ngoài nhà nước sẽ làm tăng chi phí, giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế.
Tham nhũng ngoài nhà nước làm kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận ròng. Một số hành vi như đưa, nhận, môi giới hối lộ giữa các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, người có chức quyền trong lĩnh vực kinh tế hoặc giữa doanh nghiệp với đối tác làm ăn hoặc với bên thứ ba thường xuyên diễn ra trong kinh doanh. Chính điều này dẫn đến tình trạnh cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường, bất bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong cơ chế “ngầm” của thị trường hiện nay một trong số các yếu tố đó là tiền hoa hồng cho giới chức lãnh đạo, người có quyền lực, cơ quan nhà nước. Quy luật ngầm này hình thành khi có cạnh tranh không lành mạnh diễn ra và lý do chính hiện nay là sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của các cán bộ, công chức nhà nước. Theo thời gian lâu dài nó hình thành một quy luật mà các doanh nghiệp buộc phải tuân theo. Tính về thiệt hại, số tiền hối lộ này t hực sự không nhỏ, đặc biệt là hối lộ ở các công ty lớn.
Việc doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật nhưng cơ quan có thẩm quyền lợi dụng việc thực hiện thủ tục rườm rà, mất thời gian nên tìm cách ngưng trệ, kéo dài thời gian giải quyết. điều này khiến cho doanh nghiệp lung túng, mất nhiều cơ hội trong làm ăn cũng như lợi ích nhất định.
Tham nhũng phát triển một cách càng sâu rộng thì doanh nghiệp càng bị ảnh hưởng nhiều. Trong nhiều trường hợp, tâm lý chủ doanh nghiệp sẽ cảm thấy khó khăn khi lựa chọn con đường kinh doanh cũng như đưa ra các quyết định trong đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Tâm lý lo ngại này tiến triển phát sinh tiêu cực các doanh nhân từ bỏ ý định kinh doanh. Xét ở phạm vi hẹp, nó có hại cho chính doanh nghiệp đó phải giải thể, xét ở phạm vi rộng nó làm nền kinh tế nhà nước đi xuống. Các khoản tiền thu phí, lệ phí, thuế từ doanh nghiệp đối với nhà nước cũng không còn, từ đó làm giảm ngân sách.
3 – Làm thế nào có thể nhận diện được tham nhũng ngoài nhà nước?
Trả lời:
Trên những quy định pháp luật, hành vi tham nhũng cũng như chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước là khác nhau.
Nếu như khu vực nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 12 hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện thì đối với khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ quy định 03 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: (1) Tham ô tài sản; (2) Nhận hối lộ và (3) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Doanh nghiệp tư nhân phải hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật, do vậy phải kiểm soát bằng luật để không có sự lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm những điều bất chính.
Tham nhũng không còn là những vụ lẻ tẻ mà là mối quan hệ chằng chịt, như “vòi bạch tuộc” giữa doanh nghiệp và quan chức. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp tư nhân lại là “sân sau” của một số quan chức, nhờ đó luôn được ưu tiên, ưu ái trúng thầu các dự án, … Lâu nay quan chức nhà nước tham nhũng được thường do “móc nối” với các doanh nghiệp tư nhân, chưa kể nhiều doanh nghiệp là “sân sau” của các “ông to”. Điều cực kỳ nguy hại, đáng lo hơn là các “sân sau” khi đã kiếm được lợi ích sẽ quay lại “tài trợ” cho các quan chức để “chạy” lên các chức vụ cao hơn hoặc dùng tiền để tác động vào các chính sách nhằm tiếp tục trục lợi.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng không chỉ dừng lại ở khu vực công, mà tràn sang khu vực “sân sau” của những cán bộ công quyền. Vụ án tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Nhà nước chi hơn 18 tỷ đồng cho một đội ngũ cán bộ khoa học quân đội để thực hiện việc nghiên cứu kit test chống dịch Covid-19, nhưng kết quả rơi thẳng vào một doanh nghiệp để họ có cơ hội lợi dụng lúc đất nước khó khăn thao túng thị trường, thu lời bất chính, ăn chia, hối lộ. Vụ án những người đứng đầu cấp ủy đảng tỉnh Bình Dương bất chấp pháp luật, giao “đất vàng” cho tư nhân gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Vụ án hối lộ tại Bộ Ngoại giao, từ Thứ trưởng đến Cục trưởng Lãnh sự lợi dụng việc bà con người Việt trên thế giới có nguyện vọng được giải cứu theo chủ trương nhân văn của Nhà nước, trở về Tổ quốc trong cơn bão dịch bệnh để cấp phép các chuyến bay cho các doanh nghiệp hàng không rồi nhận hối lộ… là những biểu hiện điển hình.
Tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước biểu hiện rất tinh vi và phức tạp. Nó biểu hiện từ trong nội tại của nó. Tức là từ trong khu vực tư nhân của các tập đoàn nhưng nó lại câu kết với bên ngoài, thao túng được cả khu vực Nhà nước. Dẫn đến thực tế rất lo ngại, đó là quan chức chính trị thoái hóa rất dễ bị vật chất và đồng tiền mua chuộc.
(Liên quan đến câu hỏi số 4) ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhận định: Qua những vụ việc vừa qua cũng cho thấy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý những lĩnh vực mà được phân công được giao là chưa tốt. Như vậy thì cũng phải soát xét lại xem trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý ngành, trong quản lý lĩnh vực, trong quản lý địa bàn.
Vấn đề thứ hai gọi là từng bước là bởi vì bây giờ mình muốn làm không phải làm được ngay mà nó phải có luật pháp. Chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cho nên là trước khi nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng ra khu đầu tư là phải rà soát và hoàn thiện những cái quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực.
4- Giải pháp, chế tài nào để giúp chúng ta ngăn chặn tham nhũng ngoài nhà nước? Từ việc chống tham nhũng ngoài nhà nước liệu có làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh thay vì “sân sau” ông nọ, ông kia được ưu tiên hay chỉ định đầu tư…?
Trả lời:
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một Chương quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó quy định cụ thể về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và quy định việc áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề, kinh doanh. Các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, có cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.
Ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, một số văn bản luật khác cũng đã quy định về PCTN khu vực ngoài nhà nước. Bộ luật hình sự năm 2015, quy định các tội phạm tham nhũng, gồm: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Tội giả mạo trong công tác. Khoản 2 và 3, Điều 8, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Khoản 6, Điều 41, Luật Chứng khoán năm 2019, nêu một số quy định có liên quan đến phòng ngừa tham nhũng ở công ty đại chúng. Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 quy định nhằm kiểm soát xung đột lợi ích trong các tổ chức tín dụng.
Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định các loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, trong đó có những loại thỏa thuận bị cấm và các loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Bên cạnh đó, để nhận diện những hành vi có tính chất tham nhũng trong khu vực tư, ở một số văn bản, Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và kiểm toán.
Như vậy, mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Bộ luật hình sự năm 2015 và một số Luật chuyên ngành đã quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp, các tổ chức khu vực ngoài nhà nước nói riêng, nhưng nhìn chung là chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Việc quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước hầu như rất hiếm và chưa cụ thể, hoặc nếu có thì lại không phải là chế tài trực tiếp đối với những hành vi mang bản chất tham nhũng.
Trên thực tế đã có các văn bản, quy định về giám sát đã đầy đủ nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là ở cán bộ thực hiện. Qua những vụ việc vừa qua bị phát hiện, do cán bộ yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh, chỉ vì lợi ích, vật chất mà bỏ qua danh dự, làm điều phạm pháp. Do đó, với các cơ quan nhà nước, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, giám sát của tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng ngại va chạm, không dám góp ý, không cần biết đúng sai hoặc thấy lợi ích là làm, bất chấp đạo đức, quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn, đều phải chịu giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng. Chính vì thế cần xem lại việc thanh tra, kiểm tra có thực chất không, hay chỉ qua loa, nhận lợi ích rồi về, để khi vụ việc vỡ lở thì hậu quả đều rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cũng cần xem lại vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thể trong các doanh nghiệp đã phát huy được hết tác dụng chưa. Điều quan trọng hơn cả là phải thức tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ, để có đủ dũng khí vượt qua cám dỗ, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc mở rộng phạm vi Luật Phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước là vấn đề mới, nhưng là sự cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng ngày càng phát triển với quy mô hoạt động và tầm ảnh hưởng lớn. Nếu không thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu trong khu vực ngoài Nhà nước thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội.