Thẩm quyền thông qua các giao dịch tư lợi tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên?

0
324

Về vấn đề thẩm quyền thông qua các giao dịch tư lợi, khoản 1 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định như sau: “Hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết”.

Như vậy, có ba loại chủ thể có thẩm quyền biểu quyết thông qua các giao dịch tư lợi gồm: (i) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, (ii) Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, (iii) Kiểm soát viên.

Trong trường hợp này cần lưu ý cả tập thể Hội đồng thành viên mới có một phiếu biểu quyết chứ không phải từng thành viên Hội đồng thành viên có một phiếu biểu quyết. Đối với phiếu biểu quyết của Kiểm soát viên thì mỗi người có một phiếu biểu quyết vì Kiểm soát viên có vị trí độc lập với nhau.

Tuy nhiên, việc biểu quyết đôi khi cũng gặp khó khăn do quy định thiếu chặt chẽ của Luật Doanh nghiệp 2005.

Tình huống sau đây sẽ làm rõ điều này:

Tình huống: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X (thành lập tháng 8/2006) ký kết một hợp đồng thuê trụ sở với ông Nguyễn Văn A là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ông này đồng thời cũng là một trong ba Kiểm soát viên của công ty. Hợp đồng này là một trong những loại hợp đồng cần phải thông qua theo Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2005, tức là phải được Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và Kiểm soát viên thông qua theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết. Tuy nhiên, công ty rất băn khoăn về việc thông qua hợp đồng này. Liệu ông Nguyễn Văn A có có quyền biểu quyết không? Nếu có thì ông A có một hay hai phiếu biểu quyết?

Ông Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Kiểm soát viên không bị luật hạn chế quyền biểu quyết. Điều này khác với biểu quyết thông qua giao dịch tư tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần; ở hai loại hình công ty này thì người có liên quan không có quyền biểu quyết. Việc không hạn chế quyền biểu quyết của người có liên quan trong các giao dịch tư lợi của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chính là một thiếu sót của Luật Doanh nghiệp 2005.

Trong trường hợp trên ông Nguyễn Văn A sẽ có một phiếu biểu quyết với tư cách là Kiểm soát viên. Đối với tư cách chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Nguyễn Văn A chỉ được biểu quyết tại Hội đồng thành viên để đưa ra quyết định của Hội đồng thành viên đối với hợp đồng, rồi sau đó, quyết định này của Hội đồng thành viên mới là phiếu biểu quyết đối với hợp đồng, giao dịch.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì tình huống trên không thể xảy ra vì theo Điều 25 và Điều 29 Nghị định 25/2010/NĐ-CP thì Kiểm soát viên không được kiêm nhiệm các chức vụ quản lý, điều hành công ty.

Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh.