Thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án gắn với thành lập chi nhánh

0
362

Nhà đầu tư hỏi: Chúng tôi là nhà đầu tư Ấn Độ muốn biết về thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án gắn với thành lập chi nhánh như thế nào ?

Luật sư trả lời: Thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án gắn với thành lập doanh nghiệp áp dụng với các đối tượng sau:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hoặc đã đăng ký chuyển đổi theo quy định của pháp luật, lập chi nhánh tại Hà Nội gắn với dự án trong các lĩnh vực sau phải thực hiện thủ tục thẩm tra cấp Giấy CNĐT (trừ trường hợp chi nhánh chỉ hoạt động như văn phòng đại diện), gồm:

– Dự án thuộc diện thẩm tra:

(i) Dự án có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện;

(ii) Dự án có quy mô vốn dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại điều 29, Luật Đầu tư và Phụ lục III, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP;

(iii) Dự án có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại điều 29, Luật Đầu tư và Phụ lục III, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.

– Dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam chưa cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Dự án sản xuất, dự án có sử dụng đất.

– Dự án trong các lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định của phápluật chuyên ngành

Thứ nhất: Trình tự thực hiện

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ:

– Công dân, tổ chức: nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa”, nhận giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

– Sở KH&ĐT: tiếp nhận hồ sơ, trả giấy hẹn cho công dân, tổ chức.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ:

+ Thụ lý hồ sơ.

+ Gửi hồ sơ xin ý kiến thẩm tra, góp ý của các cơ quan liên quan (nếu cần).

+ Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ (thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, TB tình trạng đang xử lý của h/sơ hoặc phê duyệt / trình UBND Thành phố phê duyệt).

Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ:

+ Công dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Bộ phân “một cửa”.

Thứ hai: Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ:

1.     Bản đăng ký/đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo mẫu BM-HAPI-11-02

2.     Báo cáo tình hình hoạt động, năng lực tài chính của doanh nghiệp kèm theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất;

3.     Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp sử dụng vốn nhà nước để đầu tư theo qui định của pháp luật (trừ trường hợp dự án đầu tư không làm thay đổi qui mô vốn góp trong doanh nghiệp của các thành viên và không thay đổi các điều kiện đã được chấp thuận trước đó).

4.     Giải trình kinh tế-kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, qui mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất; giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường (đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện);

5.     Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo qui định của pháp luật đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện qui định tại Điều 29 Luật Đầu tư và Phụ lục III, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006;

6.     Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ĐKKD và Điều lệ của doanh nghiệp;

7.     Hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh:

–    Thông báo lập chi nhánh theo mẫu BM-HAPI-11-14

–    Quyết định về việc thực hiện dự án đầu tư gắn với thành lập chi nhánh và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty TNHH 1 thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;

–    Bản sao hợp lệ Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh kèm theo bản sao hợp lệ Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân khác;

8.   Các giấy tờ, tài liệu khác kèm theo:

–    Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu hoặc của cá nhân khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với chi nhánh kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề. (chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có qui định khác).

–   Giấy tờ về địa điểm thực hiện dự án: Thoả thuận nguyên tắc hoặc hợp đồng thuê địa điểm và các giấy tờ pháp lý liên quan chứng minh quyền sở hữu/quyền sử dụng hợp pháp địa điểm và được sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

–    Trường hợp dự án có sử dụng đất: Văn bản lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hoặc văn bản chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cấp có thẩm quyền;

b) Số lượng hồ sơ:   08 bộ (01 bộ gốc và 07 bộ sao).