Thận trọng khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng

0
347

ANTD.VN – Trước những lời quảng cáo có cánh của các chủ đầu tư, ngày càng có nhiều người dân bỏ ra hàng tỷ đồng mua bất động sản nghỉ dưỡng. Song, nếu không thận trọng, việc lựa chọn hình thức đầu tư này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro…

Cam kết lợi nhuận vô cùng hấp dẫn (từ 8-15%/năm), số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, trong khi lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm, giá vàng phập phù… đây là những lý do khiến nhiều người đổ tiền vào các dự án nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mức lợi nhuận cao ngất do chủ đầu tư đưa ra mà không biết rõ về chất lượng công trình cũng như uy tín của chủ đầu tư, khách hàng rất dễ vớ “quả đắng”…

Hoa mắt trước “bánh vẽ”

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là những nơi có các điểm du lịch nổi tiếng, dự án biệt thự nghỉ dưỡng hay condotel (căn hộ khách sạn) mọc lên khá nhiều với những lời quảng cáo hấp dẫn như trang bị thiết bị khép kín, được hưởng tiện ích chung của khách sạn, khả năng thu hồi vốn cao, lợi nhuận ổn định… Đối tượng đầu tư vào condotel chủ yếu là người có mức thu nhập khá, có nhu cầu nghỉ dưỡng định kỳ và bỏ tiền đầu tư để thu lãi.

Có thể nói, bản chất của bất động sản nghỉ dưỡng là chia sẻ lợi nhuận và khách hàng thường coi đây là kênh đầu tư về tài chính có đảm bảo bằng bất động sản. Tuy nhiên, có không ít khách hàng đã rơi vào tình trạng khóc dở, mếu dở khi tiền đã trả hết nhưng có nguy cơ không nhận được “sổ đỏ”, còn khả năng thu hồi vốn thì vô cùng mờ mịt.

Bà Đỗ Thị Bích Thảo ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, người đã bỏ tiền đầu tư condotel ở Đà Nẵng cho biết, chủ đầu tư thường đưa ra mức lợi nhuận rất cao, kèm theo đó là cam kết sẽ giao “sổ đỏ” trong thời gian sớm nhất. Tuy vậy, trên thực tế, thời gian đầu đưa vào khai thác, condotel của bà rơi vào tình trạng ế ẩm, không kinh doanh được. “Tôi đã giao chủ đầu tư khai thác căn hộ nhưng số lãi thu được chẳng đáng là bao. Đúng là bỏ ra tiền tỷ nhưng thu lại từng đồng, chưa biết đến bao giờ mới có thể hoàn vốn. Trong khi đó “sổ đỏ” căn hộ thì vẫn chẳng thấy đâu” – bà Thảo chia sẻ.

Thiếu căn cứ pháp lý

Được biết, không ít chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm. Mặt khác, sự đầu tư quá mức vào dự án nghỉ dưỡng trong khi lượng khách du lịch tăng không đáng kể sẽ đẩy không ít khách hàng vào cảnh “kẹt” vốn.

“Hiện nay chưa có quy định hướng dẫn thi hành quyền sở hữu chung trong khu biệt thự nghỉ dưỡng, quy định về quyền lợi giữa chủ đầu tư dự án với khách hàng mua căn hộ, biệt thự nằm trong dự án. Hơn nữa, trong trường hợp kinh doanh cho thuê, chủ đầu tư luôn nắm thế độc quyền quản lý nên khi xảy ra tranh chấp, khách hàng luôn là người chịu thiệt. Vì vậy, người mua cần thận trọng khi đầu tư vào những tài sản mà mình không toàn quyền sở hữu và bị lệ thuộc vào chủ đầu tư” – luật sư Nguyễn Thị Thu – Công ty TNHH Luật SBLAW phân tích.

Trước khi bỏ tiền đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, khách hàng cần thận trọng xem xét uy tín và năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng như tính pháp lý, quy hoạch, thời hạn của dự án.

Bởi trên thực tế, những cam kết của chủ đầu tư về lợi nhuận thường bị “thổi phồng”, có khá nhiều dự án khu nghỉ dưỡng chỉ là đất thuê thương mại với mục đích kinh doanh khách sạn nên việc bán các condotel hay biệt thự sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Nếu nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, không tìm hiểu rõ dự án mà đã đầu tư, có thể mua phải sản phẩm chất lượng không đúng như kỳ vọng, dự án bị chậm tiến độ, dự án ế khách thuê do vị trí, giao thông không thuận lợi….

Bởi vậy, luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo, trước khi ký hợp đồng, người mua nên yêu cầu chủ đầu tư xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đồng thời xem xét kỹ từng điều khoản, trong đó có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư khi không thực hiện được cam kết bàn giao căn hộ, trả lãi trong thời hạn, những tiện ích, ưu đãi cho người mua condotel…

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định về cơ chế quản lý bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tránh xảy ra những tranh chấp phức tạp có thể phát sinh sau này.