Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp thắc mắc về Quy định của pháp luật về việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1. Xin ông cho biết những quy định của pháp luật về việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp doanh nghiệp đã có kết luận thực hiện bán trái phiếu nghiệp không phù hợp như trong TH của Tân Hoàng Minh?
Trả lời:
Theo Khoản 3, Điều 28 Luật Chứng khoán năm 2019, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng theo phương thức quy định tại Khoản 3, Điều 25 của Luật này.
Theo đó, khi huỷ bỏ đợt chào bán trái phiếu thì tổ chức phát hành trái phiếu phải công bố việc huỷ bỏ này ra công chúng trên một tờ báo điện tử hoặc trên báo in 3 số liên tục trong thời hạn 7 ngày. Tổ chức phát hành trái phiếu cũng phải thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị huỷ bỏ. Ngoài việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, hết thời hạn này, tổ chức phát hành còn phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết.
Liên quan đến vẫn đề nhận lại tiền của nhà đầu tư, theo quy định hiện hành, với hợp đồng đến hạn thanh toán sẽ hoàn trả tiền đầu tư của nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất. Đối với hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, doanh nghiệp phát hành sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.
Đồng thời phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
Trong trường hợp đơn vị phát hành không trả tiền, nhà đầu tư có thể tiến hành khởi kiện đơn vị phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục khởi kiện của nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law
Câu 2. Tân Hoàng Minh cho biết, hiện đang đợi hướng dẫn trả tiền khách hàng mua trái phiếu. Điều này có phải là bất cập về pháp luật trong khâu xử lý và ông có đề xuất gì về việc này không?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định mà theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Vì vậy, nên trong trường hợp này thì Tân Hoàng Minh phải thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị huỷ bỏ theo quy định tại Điều 28 Luật Chứng khoán 2019.
Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xây dựng các quy phạm pháp luật hoàn chỉnh ghi nhận quyền lợi của nhà đầu tư cũng như trách nhiệm, chế tài xử phạt và mức bồi thường cụ thể, nhằm bảo vệ quyền mua và bán chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, đảm bảo thứ tự ưu tiên trong các lệnh đặt mua, đặt bán và khả năng thanh toán từ phía các bên phát hành chứng khoán; phải có cơ chế công bố thông tin kịp thời, công khai, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy. Việc công khai thông tin về công ty có cổ phiếu, trái phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn, quyết định mua bán và sẽ tạo sự cạnh tranh hiệu quả, ngăn ngừa hành vi kiếm lời không chính đáng.
Hiện nay, nhiều bên phát hành chứng khoán không có cơ chế quản trị rủi ro hiệu quả để bảo vệ mình và nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Nếu các công ty phát hành này sụp đổ, vỡ nợ hay khi nhà đầu tư bị lừa, bị chiếm dụng vốn, thì sẽ không có người đứng ra bồi thường cho họ. Việt Nam hiện chưa có một tổ chức nào làm việc này. Trong khi nhiều thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan… thì mô hình quỹ và công ty bảo vệ nhà đầu tư đã hoạt động rất thành công. Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được các mô hình này xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản là: Có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành quỹ đền bù, bảo vệ nhà đầu tư; có một cơ quan đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ; có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể, qua đó, một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết. Các công ty, tổ chức, hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư trong cơ chế này là tổ chức xã hội hoặc thuộc Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận và có nguồn quỹ để bảo vệ nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường. Việc nâng cao năng lực quản lý và giám sát thị trường sẽ tạo nên một trật tự trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tính minh bạch trong việc công khai hóa thông tin hiện nay còn rất thấp, do vậy, cần đảm bảo sự công khai minh bạch, cũng như có những biện pháp xử lý kịp thời ngăn chặn khi có hành vi vi phạm xảy ra.