Thành viên HĐQT công ty cổ phần có được quyền mua lại cổ phần từ cổ đông trong công ty hay không?

Thành viên HĐQT công ty cổ phần có được quyền mua lại cổ phần từ cổ đông trong công ty hay không?

0
561

Câu hỏi: Thành viên HĐQT công ty cổ phần có được quyền mua lại cổ phần từ cổ đông trong công ty hay không? Nếu các cổ đông khác cho rằng việc chuyển nhượng này không hợp lệ thì có thể khiếu kiện đến tòa kinh tế TAND tình hay Trọng tài thương mại? Phương hướng giải quyết vụ việc như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH SB Law. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:
  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Bộ Luật tố tụng dân sự 2015;
  • Luật trọng tài thương mại 2010,
  1. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, Thành viên HĐQT công ty cổ phần có được quyền mua lại cổ phần từ cổ đông trong công ty hay không?

Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 115; khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, các cổ đông phổ thông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ trường hợp:

(i) Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp không được chuyển nhượng. Sau thời hạn này, cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác, nếu muốn chuyển nhượng cho người khác không phải cổ đông sáng lập thì phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

(ii) Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần vào công ty cổ phần trừ trường hợp: (i) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; (ii) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, ngoại trừ các trường hợp kể trên, thành viên hội đồng quản trị có quyền được mua lại cổ phần từ cổ đông trong công ty. Tuy nhiên, thành viên hội đồng quản trị có trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan theo Điều 164 Luật Doanh nghiệp 2020 thông qua việc kê khai cho công ty về các lợi ích liên quan của mình bao gồm: “Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà họ làm chủ hoặc sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm làm chủ, sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó” (điểm a khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp).

Thứ hai, nếu cổ đông khác cho rằng việc chuyển nhượng này không hợp lệ thì có thể khiếu kiện tại đâu?

Theo Khoản 4 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp giữa các thành viên trong công ty hoặc theo khoản 3 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên công ty thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, tùy theo trường hợp cụ thể mà có thể khởi kiện căn cứ theo Điều 166 Luật doanh nghiệp 2020.

Bên cạnh đó, theo Điều 2, Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nếu có thỏa thuận trọng tài, ví dụ như điều khoản về giải quyết tranh chấp được quy định trước đó trong Điều lệ công ty, hoặc các bên có thể thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài sau khi có tranh chấp.

Thứ ba, phương hướng giải quyết vụ việc này

Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể thực hiện thương lượng, hòa giải với nhau trước. Nếu hai bên không thể đạt đến thỏa thuận chung thì có thể kiện lên Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.