Câu hỏi: Chào luật sư. Hiện nay em muốn làm thủ tục để đổi họ cho con em từ họ cha sang họ mẹ. Em và chồng em đã làm thủ tục ly hôn từ năm 2010 cho đến nay và chồng em cũng đã cưới vợ khác và họ cũng đã có con với nhau. Và chồng em từ khi ly hôn cho đến nay cũng chẳng có qua hay hay cấp dưỡng nuôi con theo thỏa thuận trong giấy quyết định ly hôn của tòa án. Luật sư cho em hỏi bây giờ em muốn làm thủ tục để thay đổi họ cho con em theo họ của em thì phải làm những thủ tục gì ạ. Con em hiện nay gần 10 tuổi rồi mong luật sư tư vấn giúp em ạ. Em cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Việc thay đổi họ của một cá nhân là quyền được pháp luật ghi nhận. Đặc biệt nhiều trường hợp khi vợ, chồng ly hôn, người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thường có mong muốn thay đổi họ của con theo họ của mình nếu trước đó con đang họ của người kia. Pháp luật quy định về việc thay đổi họ chho con sau ly hôn như sau:
Theo Bộ Luật Dân sự, tại điều 27 quy định về quyền thay đổi họ như sau:
- Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
- a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
Theo quy định trên thì bạn có quyền thay đổi họ cho con mình từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ.
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:
Khoản 2 Điều 68: Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Khoản 1 Điều 81: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Theo đó, kể cả sau khi ly hôn thì vợ và chồng đều có những quyền và nghĩa vụ nhất định đối với con chưa thành niên. Khi đó, chồng bạn là người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn nhưng quyền và nghĩa vụ của chồng đối với con không thay đổi và pháp luật thừa nhận điều đó, vậy nên cha và mẹ vẫn có quyền ngang nhau đối với con của mình.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP, tại Điều 7 quy định điều kiện được thay đổi, cải chính hộ tịch như sau:
Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật hộ tịch: ” Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.” phải được sự đồng ý của cha, mẹ người đó và phải được thể hiện rõ trong Tờ khai, đối với người từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải còn có sự đồng ý của người đó.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, việc thay đổi họ cho con từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ thì phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ, ngoài ra trường hợp con bạn đã trên 9 tuổi, gần 10 tuổi thì sự thay đổi họ phải có sự đồng ý của cả con của bạn. Trường hợp không có sự đồng ý của cha đứa bé mà bạn yêu cầu thay đổi họ cho con thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không giải quyết cho bạn, bạn phải thỏa thuận với cha đứa bé để được sự đồng ý của cha đứa bé và sự đồng ý đó thể hiện trên tờ khai thì khi đó cơ quan có thẩm quyền mới có thể giải quyết cho bạn được.
Tuy nhiên trong trường hợp bạn trình bày, chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sua ly hôn nhưng lại không hề thực hiện nghĩa vụ đó dù chỉ một lần từ khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án.
Vấn đề nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn được pháp luật quy định như sau:
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em ruột với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.
Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình: ” Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình: ” Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. “
Như vậy khi đã có quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trong đó thể hiện chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì chồng bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo đúng nội dung trong Quyết định của Tòa án. Nếu chồng bạn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đó đúng thời gian và mức cấp dưỡng thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án buộc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đó. Trường hợp này, thì bạn có thể chứng minh việc chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn để có lý do thay đổi họ cho con mà không cần sự đồng ý của chồng, khi đó cơ quan có thẩm quyền mới có cơ sở để giải quyết cho bạn.
Khi thay đổi họ cho con, thủ tục cần thực hiện như sau: ( Điều 28 Luật Hộ tịch)
“1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.”
Như vậy, khi đi thực hiện thay đổi họ cho con, bạn cần có các giấy tờ gồm: Tờ khai đăng ký thay đổi hộ tịch theo mẫu, trong đó có thể hiện sự đồng ý của con trên 9 tuổi; Bản chính giấy khai sinh của con; các giấy tờ khác làm căn cứ cho việc thay đổi ( trong trường hợp của bạn, bạn có thể cung cấp lý do về việc chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng) và nộp tại Ủy ban nhân dân xã để được giải quyết.