Theo cam kết WTO và Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 thì doanh nghiệp thuộc loại hình nào mới có quyền thỏa thuận?

0
504

Đối tượng doanh nghiệp được quyền thỏa thuận trong Điều lệ ba vấn đề nêu trên (sau đây gọi tắt là đối tượng hưởng quyền) có sự khác nhau rất lớn giữa cam kết WTO

(Báo cáo của Ban công tác) và Nghị quyết 71:

– Theo Đoạn 502 và 503 Báo cáo của Ban công tác thì có hai đối tượng hưởng quyền, gồm: (1) Các liên doanh theo các cam kết trong Biểu Cam kết Dịch vụ của Việt Nam được thành lập kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO; (2) Các doanh nghiệp được các nhà đầu tư Việt Nam cùng với nhà đầu tư của một thành viên WTO thành lập trước ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực (đối tượng này chỉ được hưởng quyền trong thời hạn hai năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực).

– Trong khi đó, Nghị quyết 71 lại quy định hai đối tượng hưởng quyền hoàn toàn khác, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Điều này có nghĩa là đối tượng hưởng quyền bao gồm tất cả các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, không phân biệt vốn trong nước hay vốn nước ngoài, liên doanh hay không liên doanh.

Hiện tại có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề doanh nghiệp loại hình nào có quyền áp dụng cam kết WTO và Nghị quyết 71:

– Ý kiến thứ nhất cho rằng: Cam kết WTO là sự thỏa hiệp giữa Việt Nam với các bên đàm phán, trong đó Luật Doanh nghiệp 2005 đã nhượng bộ các nhà đầu tư nước ngoài nên chỉ có hai loại liên doanh theo Báo cáo của Ban công tác mới có quyền thỏa thuận trong Điều lệ ba vấn đề nêu ở trên, còn các doanh nghiệp khác vẫn phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp 2005.

– Ý kiến thứ hai cho rằng: Tại Nghị quyết 71 đã nêu rõ đối tượng hưởng quyền là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần nên mọi doanh nghiệp thuộc hai loại hình này đều có quyền áp dụng cam kết WTO và Nghị quyết 71.

Một số chuyên gia cho rằng ý kiến thứ hai là hợp lý vì:

– Không thể thành lập được liên doanh mới kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO. Việc thành lập liên doanh chỉ có thể được thực hiện trong thời gian Luật Đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, không thể thành lập được liên doanh tại Việt Nam do Luật Đầu tư nước ngoài đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005 (cùng có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006). Do đó, từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO chỉ có thể thành lập một trong bốn loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

– Đối với các doanh nghiệp được các nhà đầu tư Việt Nam cùng với nhà đầu tư của một thành viên WTO thành lập trước ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực thì chỉ được áp dụng cam kết WTO và Nghị quyết 71 trong thời hạn hai năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực. Như vậy, kể từ ngày 01/07/2008, doanh nghiệp được các nhà đầu tư Việt Nam cùng với nhà đầu tư của một thành viên WTO thành lập trước ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực không có quyền áp dụng cam kết WTO và Nghị quyết 71 nữa.

– Nếu chỉ có hai đối tượng theo Báo cáo của Ban công tác có quyền áp dụng cam kết WTO và Nghị quyết 71 thì vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp Việt Nam quy định tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2005 và nguyên tắc không phân biệt đối xử trong WTO.

Do đó, vẫn cần phải có sự hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất. Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn áp dụng Nghị quyết 71. Từ đầu năm 2008, đã có một dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Nghị quyết 71. Xin lấy ví dụ trong tình huống sau để phân tích sự cần thiết phải có một Nghị định hướng dẫn áp dụng:

 Tình huống: Công ty cổ phần A được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 1999. Điều lệ công ty áp dụng theo Luật Doanh nghiệp 1999 quy định tỷ lệ tối thiểu để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông là 51%. Đến thời điểm Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, công ty không tiến hành sửa Điều lệ cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2005 (tức là nâng tỷ lệ tối thiểu lên 65%). Khi Công ty đang tiến hành sửa Điều lệ thì Nghị quyết 71 được ban hành. Sau đó, công ty tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết thông qua Điều lệ mới trong đó áp dụng tỷ lệ 51% theo Nghị quyết 71. Câu hỏi được đặt ra là: Công ty cổ phần A áp dụng tỷ lệ 51% trong Điều lệ thì có được không?

Trong tình huống trên cần phân chia thành hai giai đoạn để xác định giá trị pháp lý của tỷ lệ 51% trong Điều lệ công ty. Giai đoạn từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực đến trước thời điểm Nghị quyết 71 có hiệu lực. Và giai đoạn kể từ thời điểm Nghị quyết 71 có hiệu lực.

Trong giai đoạn từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực đến trước thời điểm Nghị quyết 71 có hiệu lực thì tỷ lệ 51% quy định trong Điều lệ công ty trái với Luật Doanh nghiệp 2005 vì Luật Doanh nghiệp 2005 quy định tỷ lệ tối thiểu phải là 65%. Trong giai đoạn này, công ty phải hoạt động theo các nguyên tắc quản trị do Luật Doanh nghiệp 2005 quy định. Các thỏa thuận tại Điều lệ công ty mà trái với Luật Doanh nghiệp 2005 đương nhiên không có giá trị áp dụng.

Tuy nhiên, đến giai đoạn kể từ thời điểm Nghị quyết 71 có hiệu lực, công ty A đã thỏa thuận được trong Điều lệ việc áp dụng tỷ lệ 51% thì thỏa thuận này được Nghị quyết 71 đảm bảo có hiệu lực và có giá trị thi hành. Nhưng Công ty A vẫn băn khoăn liệu khi tiến hành các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh thì cơ quan đăng ký kinh doanh có chấp nhận tỷ lệ 51% không? Giả sử như có tranh chấp nội bộ công ty tại tòa án, trọng tài thì tòa án, trọng tài áp dụng tỷ lệ nào để giải quyết? Tối thiểu 51% theo Điều lệ công ty hay tối thiểu 65% theo Luật Doanh nghiệp 2005? Tất cả các câu hỏi trên hiện có rất nhiều cách hiểu. Có ý kiến cho là cam kết WTO chỉ cho liên doanh áp dụng tỷ lệ tối thiểu 51%, còn các doanh nghiệp vốn trong nước như Công ty cổ phần A vẫn phải áp dụng tỷ lệ tối thiểu 65% theo Luật Doanh nghiệp 2005. Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng Công ty cổ phần A có quyền áp dụng tỷ lệ tối thiểu 51% vì câu chữ trong Nghị quyết 71 đã thể hiện như vậy; ngoài ra liên doanh thì không thể thành lập mới được kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực còn các liên doanh cũ thì thời hạn áp dụng chỉ là hai năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực (tức là ngày 01/07/2008 là hết thời hạn áp dụng).

Chính vì các vấn đề chưa rõ ràng trên nên cần có một hướng dẫn áp dụng Nghị quyết 71 kịp thời để tránh gây ra các cách hiểu khác nhau. Một quy định pháp lý mà được hiểu thành nhiều cách sẽ gây ra rất nhiều hệ quả pháp lý khó khắc phục trong tương lai. Cho nên, khi chưa có Nghị quyết 71 thì vấn đề áp dụng tỷ lệ tối thiểu 51% còn gây tranh cãi.

Theo luật gia : Cao Bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh