Thiếu sót của của pháp luật về định giá TSTT

0
408

Với những gì đã phân tích ở trên, tác giả nhận thấy các văn bản pháp luật về định giá TSTT ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập và mâu thuẫn, cụ thể như sau:

– Luật SHTT 2005 là văn bản luật chuyên ngành về lĩnh vực SHTT. Văn bản này đã quy định rõ đối tượng của quyền SHTT cũng như là việc bảo hộ các quyền đó. Ngoài ra, trong luật cũng đã quy định đến các điều kiện để chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng các quyền SHTT. Tuy nhiên, việc định giá giá trị các quyền SHTT lại không được quy định. Đây chính là một thiếu sót lớn của luật SHTT, điều này đã gây ra tình trạng các hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng quyền SHTT không thực hiện được, hoặc nếu có, thì giá trị của những hợp đồng này không được tính chính xác, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp.

Khoản 2 điều 30 luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá”.

Như vậy, theo các quy định tại khoản này, việc định giá tài sản góp vốn do các thành viên trong công ty chịu trách nhiệm. Điều đáng nói ở đây là cá nhân và cổ đông trong công ty không phải là những người có kiến thức sâu rộng về định giá, sự hiểu biết của họ về định giá tài sản nói chung và định giá TSTT nói riêng, không thể so sánh với các chuyên gia được. Do đó, kết quả định giá sẽ không thể chính xác được.

Mặt khác, khoản 3 điều 30 luật Doanh nghiệp 2005 cũng lại quy định thêm: “Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị của thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá”.

Như vậy, ngay cả khi đã có một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá giá trị tài sản cho công ty mình thì cũng phải được sự chấp thuận của các cổ đông trong công ty. Nếu các cổ đông không chấp thuận kết quả định giá của các chuyên gia, họ lại tự thỏa thuận giá với nhau. Một lần nữa lại là những người không có kiến thức chuyên môn về định giá tài sản tham gia vào việc định giá. Do đó, việc định giá tài sản góp vốn lại không chính xác. Hơn nữa, theo quy định trên, việc chịu trách nhiệm về việc định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế của tài sản chỉ xảy ra khi doanh nghiệp phá sản hoặc tiến hành nghĩa vụ trả nợ, còn bình thường nếu không có chuyện gì xảy ra thì sẽ không phải chịu trách nhiệm gì cả. Đây chính là một lỗ hổng lớn của luật Doanh nghiệp trong vấn đề quy định về trách nhiệm định giá tài sản doanh nghiệp. Việc quy định lỏng lẻo quy tắc định giá tài sản góp vốn đã gây ra tình trạng nhiều doanh nghiệp định giá sai tài sản góp vốn của mình, làm tăng giá trị ảo của số vốn điều lệ của công ty, ảnh hưởng đến trách nhiệm đóng thuế của công ty.

– Theo những gì tác giả đã phân tích ở trên, cả Luật Doanh nghiệp 2005 và nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của luật Doanh nghiệp đều cho phép tất cả các đối tượng thuộc quyền SHTT được góp vốn vào doanh nghiệp. Góp vốn là việc chuyển nhượng quyền sở hữu của người góp vốn vào doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ là chủ sở hữu của tài sản góp vốn. Tuy nhiên, tại điều 139 luật SHTT 2005 lại có quy định:

“1, Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

  2, Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó”.

Tại khoản 1 điều 4 luật này quy định về việc hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: “Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao”.

Với quy định này của luật SHTT 2005, việc chuyển nhượng quyền đối với chỉ dẫn địa lý và tên thương mại (nếu không đồng thời với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và các hoạt động kinh doanh) là không thể thực hiện được. Đây là một trong những mâu thuẫn lớn giữa luật Doanh nghiệp 2005 và luật SHTT 2005.

– Theo Công văn số 3539/TCT-PCCS ngày 20 tháng 09 năm 2006 của Tổng cục Thuế về việc sử dụng giá trị thương hiệu bổ sung vốn chủ sở hữu thì thương hiệu không được ghi nhận là tài sản và doanh nghiệp không thể góp vốn bằng giá trị thương hiệu. Trong khi đó, Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ lại ghi nhận thương hiệu là một lợi thế thương mại của doanh nghiệp và được tính vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Chính sự không tương đồng giữa hai văn bản pháp luật này đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi cần định giá tài sản, cụ thể là định giá thương hiệu. Công văn này cũng mâu thuẫn với luật doanh nghiệp 2005, bởi vì luật Doanh nghiệp 2005 quy định tất cả các quyền SHTT, trong đó có quyền sở hữu tên thương mại và nhãn hiệu.

Từ sự phân tích trên, tác giả nhận thấy pháp luật Việt Nam còn rất nhiều bất cập trong việc định giá TSTT, các văn bản liên quan đến định giá chưa đồng bộ và thống nhất, sự mâu thuẫn còn tồn tại ở nhiều văn bản. Đặc biệt ngay văn bản luật chuyên ngành về SHTT và các văn bản hướng dẫn cũng chưa có quy định về việc định giá TSTT. Việc quy định định giá TSTT chỉ được quy định rải rác trong các văn bản kế toán, mà trong đó có quy định việc định giá tài sản cố định vô hình liên quan đến một vài TSTT, trên thực tế hiện nay chưa có một văn bản chính thức nào quy định riêng việc định giá TSTT cho từng loại đối tượng tài sản này. Đây chính là một trong những thiếu hụt lớn nhất của văn bản luật Việt Nam quy định về định giá TSTT. Sự thiếu hụt cũng như những mâu thuẫn trong các văn bản luật về định giá TSTT đã có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi mà Việt Nam gia nhập WTO và giá trị của TSTT càng đóng vai trò quan trọng.