Thời hạn góp vốn khi thành lập công ty TNHH

0
479

Câu hỏi: Tôi và hai người bạn nữa cùng nhau góp vốn thành lập một công ty TNHH kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Một trong hai người bạn của tôi cam kết góp 250 triệu đồng nhưng thực tế mới góp được 150 triệu đồng, số vốn còn lại (100 triệu đồng) chúng tôi nhất trí để người bạn này góp trong vòng 5 tháng kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Xin hỏi, chúng tôi thống nhất như vậy có hợp pháp không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vu tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014, việc thực hiện góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn được quy định như sau:

2. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.”

Do vậy, trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thành viên trong công ty bạn phải góp đủ phần vốn góp đã cam kết và trong thời hạn 90 ngày này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết.

Trường hợp sau thời hạn 90 ngày nêu trên mà thành viên trong công ty bạn chưa góp đủ số vốn là 250 triệu đồng như đã cam kết thì xử lý theo quy định tại điểm b, c Khoản 3 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó:

  • Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.
  • Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Khoản 4 Điều 48 Luật Doanh nghiệp quy định: Trường hợp có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Theo đó, bạn cần đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên trong thời hạn quy định như trên. Nếu hết thời hạn này mà công ty bạn chưa đăng ký điều chỉnh thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.”

Như vậy, việc các thành viên trong công ty bạn thỏa thuận với nhau về thời hạn góp vốn kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 5 tháng không phù hợp với những quy định của pháp luật hiện hành. Công ty bạn cần dựa trên quy định tại Điều 48 Luật Doanh nghiệp để nhất trí lại về thời hạn góp vốn hoặc đưa ra những giải pháp kịp thời khi phải kéo dài thời hạn này.

HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Khi thực hiện thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những gì? Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.