Thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi

0
581

Câu hỏi: Tôi ở Hải Phòng. Tôi và vợ tôi có nhận nuôi 1 người con nuôi. Tuy nhiên bây giờ chúng tôi ly hôn nên muốn chấm dứt việc nuôi con nuôi này. Vậy tôi phải thực hiện thủ tục này như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi

Việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, khác với quan hệ cha mẹ đẻ với con đẻ không bao giờ chấm dứt, việc nhận nuôi con nuôi phải có sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đăng kí việc nuôi con nuôi) thì mới có giá trị pháp lý nên việc chấm dứt nuôi con nuôi cũng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Chấm dứt việc nuôi con nuôi được hiểu là việc chấm dứt quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa cha mẹ nuôi và con nuôi do Toà án quyết định khi có những căn cứ mà pháp luật quy định theo yêu cầu của những người có quyền yêu cầu.

Việc nuôi con nuôi bị chấm dứt khi có căn cứ quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đó là:

“Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này”.

Như vậy, khi có một trong những căn cứ trên thì bạn sẽ được chấm dứt việc nuôi con nuôi

Thứ hai, về thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi

Để giải quyết việc chấm dứt việc nuôi con nuôi, bạn thực hiện các thủ tục được quy định theo thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015. Thủ tục gồm các bước sau:

Bước 1: Gửi đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền (đơn yêu cầu giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi). Đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự được quy định tại Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:

“a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp”.

Bước 2: Tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa giải quyết việc dân sự: Tòa án sẽ ra quyết định về việc giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi, người yêu cầu giải quyết việc dân sự nộp lệ phí, án phí theo quy định của pháp luật

Bước 3: Kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án (nếu có): Nếu cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham dự phiên tòa giải quyết việc nuôi con nuôi không có kháng cáo với quyết định của tòa cho chấm dứt việc nuôi con nuôi, thì quyết định của tòa án sẽ có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, để giải quyết việc chấm dứt việc nuôi con nuôi thì bạn gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc dân sự.