Thủ tục Chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao

0
410

Thủ tục Chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao
Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là một doanh nghiệp, chúng tôi muốn nhận chuyển giao “Công nghệ sản xuất đèn chiếu sáng bằng sợi đốt trong khí trơ” từ một doanh nghiệp nước ngoài. Mong đươc Luật sư tư vấn cho chúng tôi để được chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với trường hợp này?
Luật sư trả lời: Xin chào Quý doanh nghiệp! Tôi xin gửi tới phía doanh nghiệp một số thông tin về vấn đề này như sau:
Trước hết, loại công nghệ mà Quý doanh nghiệp muốn nhận chuyển giao thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (Phụ lục II – Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008).
Căn cứ theo Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH1 ngày 29/11/2006 và Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
Để được chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công hệ hạn chế chuyển giao, tổ chức, cá nhân cân thực hiện như sau:
* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (Phụ lục II – Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008).
* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
– Đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam:
+) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp nhận công nghệ phải có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc sử dụng công nghệ tiếp nhận;
+) Có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực đủ trình độ để tiếp nhận, vận hành công nghệ một cách an toàn và phải chấp hành nghiêm chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
– Đối với công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển giao công nghệ phải bảo đảm không gây phương hại đến lợi ích quốc gia.
* Trình tự thực hiện:
– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và phí thẩm định đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ.
– Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định và trực tiếp Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ tổ chức thẩm định hồ sơ:
+) Nếu tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu theo những quy định hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ.
+) Trong trường hợp không chấp thuận chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
* Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
* Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ bao gồm:
+) Đơn đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ;
+) Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị: bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép phù hợp ngành nghề được hoạt động;
+) Tài liệu giải trình về công nghệ;
+) Tài liệu giải trình về việc đáp ứng các điều kiện tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao;
+) Ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư (nếu có sử dụng vốn nhà nước Việt Nam);
+) Giấy uỷ quyền (trong trường hợp uỷ quyền cho bên thứ ba thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ).
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.
* Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
* Lệ phí: Theo văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.
* Kết quả: Văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ.