Thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam

0
410

 

1.Trình tự thực hiện:

– Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam được Văn phòng quốc tế gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội.

– Thẩm định nội dung đơn: Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế về đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung đơn theo thủ tục áp dụng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ để đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

– Ra quyết định cấp/từ chối chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam:

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận bảo hộ từng phần/toàn bộ nhãn hiệu;

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

2.Cách thức thực hiện:

3. Thành phần, số lượng hồ sơ: Không

4.Thời hạn giải quyết:

– Thẩm định nội dung đơn: 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo, Cục Sở hữu trí tuệ ra kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.

6.Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Sở hữu trí tuệ.

7.Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

– Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam.

– Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam (nếu có yêu cầu và nộp lệ phí theo quy định).

– Thông báo từ chối Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

8.Phí, lệ phí: Theo quy định của Văn phòng quốc tế

9.Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không.

10.Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

– Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau có quyền đăng ký nhãn hiệu:

+ Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;

+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó;

+ Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

+ Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

+ Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với điều kiện (i) việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh; (ii) việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

+ Người có quyền đăng ký, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

+ Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

11.Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6//2009;

– Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010;

– Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/2/2013;

– Thông tư số 22/2009/TT-BTC ngày 04/02/2009 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.