Thuê chung cửa hàng để kinh doanh: Lợi nhiều, hại cũng không ít

0
302

ANTĐ – Thời gian gần đây, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên một số cá nhân đã hợp tác thuê cùng 1 địa điểm và phân chia kinh doanh theo giờ. Tuy vậy, bên cạnh ưu điểm tiết kiệm chi phí cho người thuê nhà thì cũng tiềm ẩn không ít phức tạp.

của hàng ăn
Việc thuê chung cửa hàng khá phù hợp với những người kinh doanh hàng ăn nhỏ lẻ
Sáng bánh mì, trưa bún miến, tối ốc nóng

Dạo qua các con phố tại Hà Nội như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu… hay các khu đô thị, trường học có thể dễ dàng bắt gặp 2-3 tấm biển treo trên cùng một cửa hàng như “Sáng: Cháo – Trứng vịt lộn”, “Chiều: Bánh mì, ốc nóng”… Bà Nguyễn Thị Hoạt kinh doanh hàng ăn ở đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, trước đây bà thuê toàn bộ cửa hàng để bán bún, phở. Số tiền thuê phải trả là 12 triệu đồng/tháng. Do lượng khách chỉ tập trung vào buổi sáng và trưa nên chỉ đến 14h chiều là bà Hoạt dọn hàng, khóa cửa. Tiền thuê cửa hàng, bán hàng không đủ chi phí nên bà Hoạt quyết định tìm người thuê cùng. Số tiền thuê chia đôi. Bên nào bán hàng xong phải có trách nhiệm dọn vệ sinh cửa hàng sạch sẽ.

Tương tự, để tiết kiệm tối đa chi phí thuê cửa hàng, chị Đào Thị Mai đã cùng 2 người nữa thuê chung cửa hàng ở đường Hồ Tùng Mậu (khu vực gần trường ĐH Thương mại) để bán hàng ăn. Theo thỏa thuận, chị Mai sẽ bán đồ ăn sáng (xôi, bánh chưng rán) từ 5h-9h30. Từ  9h30-14h chiều là giờ bán hàng ăn trưa của người khác, từ sau 14-21h, nơi đây lại biến thành cửa hàng bán “cơm bình dân” tối. Trung bình mỗi tháng, mỗi người phải trả 3,5 triệu đồng tiền thuê cửa hàng, tiền điện, nước chia đều theo hóa đơn. “Với số tiền đó mỗi người không thể thuê được một cửa hàng rộng rãi và có vị trí đẹp như cửa hàng hiện tại. Hơn nữa, do đặc thù của từng món hàng ăn chỉ bán trong từng thời điểm nhất định nên việc thuê cửa hàng chung theo giờ là giải pháp vô cùng hợp lý. Không chỉ thuê chung địa điểm, chúng tôi còn thuê chung người phụ giúp nên công việc diễn ra khá thuận lợi. Tuy vậy, việc thuê chung cửa hàng cũng dễ phát sinh mâu thuẫn” – chị Mai cho biết.

Việc thuê cửa hàng chung không chỉ là sự lựa chọn của những người kinh doanh hàng ăn mà ngay cả những người bán quần áo, giày dép, túi xách… cũng coi đây là giải pháp hữu hiệu. Việc thuê chung cửa hàng còn giúp những người kinh doanh tận dụng được tối đa lượng khách hàng mà không phải mất công quảng cáo…

Dễ phát sinh mâu thuẫn

Bên cạnh những thuận lợi, việc thuê chung cửa hàng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Cũng theo chị Đào Thị Mai, do thỏa thuận giữa 3 người kinh doanh chỉ là thỏa thuận miệng nên đã không ít lần xảy ra hiện tượng người này bán hàng lấn giờ của người kia. “Có hôm dù đã hết giờ ăn trưa nhưng do vẫn còn khách nên người bán vẫn tiếp tục phục vụ. Trong khi đó, người kinh doanh đồ ăn tối dù đã tập hợp đầy đủ nguyên vật liệu về để chuẩn bị nấu nướng nhưng do không có chỗ nên buộc phải… ngồi chờ. Thế là xảy ra cãi vã, xung đột – chị Mai than phiền.

Còn theo Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Hà Nội, việc thuê chung điểm kinh doanh rất dễ phát sinh tranh chấp nếu các bên không có thỏa thuận rõ ràng và cụ thể ngay từ đầu. Đó là những mâu thuẫn về thời gian bán hàng, vấn đề vệ sinh và việc quản lý tài sản có trong cửa hàng… Do vậy, để khắc phục tình trạng này, việc thuê chung cửa hàng phải được lập thành hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ, trong đó có nêu cụ thể và chi tiết về thời gian kinh doanh của mỗi cá nhân, trách nhiệm của từng người đối với công tác đảm bảo vệ sinh và việc xử lý sự cố phát sinh trong và sau khi kết thúc ca bán hàng.

Bên cạnh đó việc quản lý sử dụng những các tài sản chung trong cửa hàng như bàn ghế, bát đũa, kệ, giá treo quần áo giầy dép, kệ để hàng… cũng cần được bàn bạc kỹ lưỡng. Các bên cần đưa vào hợp đồng quy định về trách nhiệm bồi thường nếu cá nhân vi phạm về thời gian, cố tình cản trở việc kinh doanh của những người còn lại. Ngoài ra, nếu kinh doanh các mặt hàng khác nhau, mỗi bên cũng cần chú ý trong khâu quản lý tài sản của mình, tránh bị thất thoát, mất mát.

Cũng theo Luật sư Thành Chung, việc thuê chung cửa hàng tuy mang lại nhiều thuận lợi song nó chỉ phù hợp với các chủ kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ. Còn đối với những đơn vị có nhu cầu kinh doanh lâu dài, cần tạo dựng thương hiệu bền vững thì đây không phải là hướng đi đúng đắn và hiệu quả.

Nguồn: anninhthudo.vn/kinh-doanh/thue-chung-cua-hang-de-kinh-doanh-loi-nhieu-hai-cung-khong-it/579394.antd