Thượng tôn pháp luật ở đâu? là ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời trên báo Diễn đàn doanh nghiệp về những sai phạm trong xây dựng.
Sau đây là nội dung bài viết:
Nếu chỉ buông một câu “Do buông lỏng quản lý dẫn đến các vi phạm trong quản lý trật tư xây dựng (TTXD)” thì thật nhẹ nhàng.
Bởi mức độ vi phạm TTXD đã trở thành phổ biến tại nhiều xã, huyện, quận của TP Hà Nội, khi cơ quan Thanh tra “sờ tới”. Đặc biệt nhìn từ những vi phạm nghiêm trọng tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) buộc Chính phủ phải có chỉ đạo.
Theo kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn được Thanh tra TP Hà Nội công bố ngày 21/3, UBND 7 xã (Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong diện tích đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ môi trường, như mua bán chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên đất thuộc quy hoạch rừng.
Theo Thanh tra TP Hà Nội, UBND 7 xã trên, Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cùng UBND huyện Sóc Sơn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về đất đai và TTXD theo quy định.
Thanh tra TP Hà Nội kết luận, để xảy ra sai phạm trên thuộc trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách quản lý đất đai, TTXD và cán bộ địa chính xã; Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng (giai đoạn từ 2008 đến nay). Để xảy ra sai phạm trên còn có trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng, trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra về trật tự xây dựng (giai đoạn 2014-2016) và trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về đất đai (từ 2008 đến nay).
Có thể thấy, sai phạm trở thành một hệ thống từ cấp thành phố xuống tới xã phường. Điều cũng được Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận tại phiên giải trình HĐND thành phố Hà Nội ngày 25/3/2019. Theo đó, TP có 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về giải quyết các công trình vi phạm TTXD tồn đọng nhiều năm. Nếu chỉ tính riêng huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP đã chỉ ra có tới 659 công trình vi phạm TTXD trên đất lâm nghiệp không tổ chức xử lý.
Những vi phạm đã kéo dài trên 10 năm và diễn ra ở hầu khắp các xã thuộc huyện Sóc Sơn thì thật khó lòng đổ lỗi cho người dân. Rõ ràng ai cũng có thể nhận thấy ở đây có trách nhiệm đầu tiên là từ cơ quan quản lý. Nếu những vi phạm chỉ ở một vài cá nhân nhỏ lẻ, ở những khu vực hẻo lánh thì không đáng phải lưu tâm nhiều, nhưng ở đây là cả một vùng thì làm sao các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, sở ngành lại không hay biết?
Tính thượng tôn pháp luật bị coi nhẹ còn thể hiện ở việc mặc dù đã có chỉ đạo từ Chính phủ, Thanh tra TP vào cuộc và có kết luận nhưng phản ánh của nhiều phóng viên báo chí đã chỉ ra, những vi phạm vẫn rất ngang nhiên. Các biệt thự, Homestay vẫn đòn khách bình thường khi được hỏi thuê dịch vụ.
Theo các quy định về quản lý TTXD, rất nhiều công trình vi phạm TTXD sẽ phải phá bỏ. Cá nhân tổ chức có các công trình vi phạm sẽ phải chịu những thiệt hại là điều chắc chắn. Vậy còn, những người để buông lỏng quản lý và có thể là “làm ngơ” trước các sai phạm trên, gây ra thiệt hại cho các cá nhân,tổ chức thì sẽ ra sao? Câu chuyện về tính thượng tôn pháp luật nằm chính ở trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức gây ra những thiệt hại nói trên, bởi vì suy cho cùng đây cũng là thiệt hại cho nền kinh tế, cho xã hội.
TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB