Tìm vốn để doanh nghiệp giải cơn khát thanh khoản

0
423

Trong bối cảnh nhiều kênh huy động vốn hiện nay bị nghẽn như tín dụng ngân hàng, trái phiếu… thì tiếp cận với dòng vốn nước ngoài là một giải pháp mà doanh nghiệp cân nhắc để đáp ứng đủ thanh khoản. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã đưa ra nhận định của mình về vấn đề trên. Dưới đây là nội dung chi tiết: 

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ khắt khe hơn khi xuống tiền

Trong những tháng cuối cùng quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong huy động vốn để phát triển hoạt động kinh doanh. Nguyên nhân phần lớn tới từ cạn room tín dụng, nghẽn kênh trái phiếu, M&A chậm chạp… 

Việc các đơn vị tiền tệ Châu Á đang dần mất giá so với đồng tiền của các quốc gia ở Châu Âu và Mỹ khiến cho hoạt động xuất khẩu có lợi nhưng hoạt động nhập khẩu thì lại bất lợi. Thêm vào đó, lãi vay ngày càng cao sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Dòng tiền bị đứt gãy sẽ gây khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Phản ứng lại, các doanh nghiệp đã linh hoạt tìm kiếm nguồn vốn khác trong xã hội bằng các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư. Họ cũng tăng cường các hoạt động M&A, bán bớt các dự án không đủ vốn để làm hoặc là nếu có triển khai thì dễ bị thu hồi. Hoạt động tái cấu trúc cũng diễn ra mạnh mẽ bằng việc cắt giảm nhân sự, thắt chặt chi tiêu để tiết giảm chi phí.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chào bán dự án còn phải giảm giá sản phẩm, hoán đổi trái phiếu sang bất động sản… để tự cứu lấy mình. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLaw, các quỹ nước ngoài ở Châu Âu và Nhật Bản hiện nay cũng muốn tìm kiếm nguồn hợp tác và Việt Nam vẫn được coi là thị trường mới nổi, tiềm năng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng để giải cơn khát thanh khoản thì doanh nghiệp cần chủ động đa dạng các kênh huy động vốn. Ảnh: Đức MạnhLuật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng để giải cơn khát thanh khoản thì doanh nghiệp cần chủ động đa dạng các kênh huy động vốn

Ông Mohammad Mudasser – lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam – cho biết, Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại Việt Nam đã ngày càng chuyên nghiệp hóa và phát triển lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó khăn về nguồn vốn, từ đó tạo ra sự chênh lệch giữa hai khu vực.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ khắt khe hơn khi quyết định xuống tiền. Nếu như trước đây, họ chấp nhận đầu tư sau một thời gian mới có lợi nhuận thì ngày nay họ nhìn ra lợi ích mới quyết định đầu tư.

Lãnh đạo PwC cho hay: “Nếu doanh nghiệp đang được nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn ESG gắn với môi trường thì thay vì có thể hoàn thiện ngay, doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình 6 tháng tới có thể đạt được điều đó nhằm đảm bảo tin tưởng và thu hồi vốn”.

Giải pháp phi thường trong bối cảnh phi thường

Ngoài tìm vốn từ kênh nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Hà đề xuất doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình kinh doanh mới như mở rộng nhượng quyền thương hiệu hoặc lập ra các mô hình dự án thu hút sự hợp tác của nhà đầu tư. Những mô hình này rất đa dạng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường. Nhà đầu tư tham gia dự án được quản trị đồng vốn của mình. 

Ông Mohammad Mudasser - lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam. Ảnh: BĐTÔng Mohammad Mudasser – lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam. 

Bổ sung thêm, ông Mohammad Mudasser khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng và giữ gìn nhân tài, cố gắng nhận diện nhân sự tạo ra giá trị cốt lõi. Giữ họ ở lại công ty nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng bảng cân đối kế toán, tình hình thanh khoản và dòng tiền. Bởi báo cáo tài chính là một phần, quan trọng nhất vẫn là dòng tiền.

“Doanh nghiệp cần củng cố hoạt động quản lý ngân quỹ. Trên toàn cầu đây là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo công ty có nguồn vốn để hoạt động hay không. Trong quá trình tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ tại Việt Nam, tôi đánh giá quá trình quản lý ngân quỹ còn hạn chế. Họ cần làm tốt hoạt động này để đảm bảo khả năng thanh khoản, nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến lãi vay và quản lý ngân quỹ khác nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của mình” – ông Mohammad Mudasser chia sẻ.

Nguồn:https://www.msn.com/vi-vn/money/news/t%C3%ACm-v%E1%BB%91n-%C4%91%E1%BB%83-doanh-nghi%E1%BB%87p-gi%E1%BA%A3i-c%C6%A1n-kh%C3%A1t-thanh-kho%E1%BA%A3n/ar-AA14C1U5?li=BBr8Mki