TÍN DỤNG CHO NÔNG DÂN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC

0
455

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân trong việc đầu tư, phát triển sản xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 55/2015/NĐ-CP, với những cơ chế cho vay khá thông thoáng, mức cho vay cũng tăng lên, lãi suất ưu đãi… Tuy nhiên để tiếp cận nguồn vốn này, nông dân gặp không ít khó khăn. Vậy đâu là nguyên nhân? Tháo gõ ra sao? Đó là nội dung cuộc trao đổi của Tạp chí Nông thôn mới với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội). Luật sư Hà cho biết:
Ngày 09.6.2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 55/2015/NĐ-CP quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, ngày 31.7.2015, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 515/QĐ-HĐTV- HSX ban hành Quy chế cấp tín dụng phục vụ phát triển nông thôn theo quy định tại Nghị định số: 55/2015/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn; chủ trang trại; tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;…sẽ được tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Chính sách này đã góp phần quan trọng cho các hộ nông dân, HTX, chủ trang trại…tháo gỡ được khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế để tiếp cận được nguồn vốn này không dễ, bởi sự vướng mắc ngay chính trong quy định về cơ chế đảm bảo tiền vay trong Nghị định này.

Luật sư có thể nói rõ vướng mắc đó là gì?

Chúng ta hãy cùng phân tích.

Thứ nhất: Khoản 2, Điều 9 Nghị định số: 55/2015/NĐ-CP quy định: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau: Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c Khoản 2 Điều này);; tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c Khoản 2 Điều này); tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồngtiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp; tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không bao gồm các đối tượng thuộc Điểm h Khoản 2 Điều này; tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Tuy nhiên Khoản 3, Điều này lại quy định: Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm theo quy định trên phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.

Việc quy định phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay Giấy CNQSDĐ hoặc giấy xác nhận chưa được cấp Giấy CNQSDĐ không khác nào cho vay có tài sản bảo đảm, cho vay thế chấp!? Như vậy về bản chất để được vay vốn theo quy định tại Nghị định này, nông dân phải có tài sản đảm bảo. Giấy CNQSDĐ đã nộp cho ngân hàng rồi thì coi như ngân hàng đã nắm đất đó, đất không có Giấy CNQSDĐ thì làm sao có thể lấy mảnh đất đó làm tài sản bảo đảm để thực hiện các giao dịch khác. Với người nông dân, tài sản để bảo đảm vay được vốn chỉ có thể là Giấy CNQSDĐ , trong khi họ đã dùng Giấy CNQSDĐ để vay vốn từ các chương trình khác. Rõ ràng đây là điểm mâu thuẫn. Quy định như vậy có khác gì đánh đố nông dân?

Thứ hai: Tại các khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết; các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối (sau đây gọi chung là tổ chức đầu mối) ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết; Và tại các khoản 1,2 Điều 15 quy định: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị hợp đồngchuyển giao công nghệ hoặc tiêu thụ sản phẩm là kết quả của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao của khách hàng; các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, Nghị định thì quy định các đối tượng nêu trên sẽ “được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm”, nhưng điểm d, Khoản 2, Điều 6 Quyết định số 515/QĐ-HĐTV- HSX của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quy định những đối tượng này phải “cam kết chuyển toàn bộ doanh thu từ dự án, phương án vào tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay”. Quy định như vậy có khác gì Ngân hàng nắm hầu bao của người vay. Vậy cơ chế sử dụng tài khoản đó thế nào? Khi người vay cần sử dụng số tiền trong tài khoản đó liệu có gặp khó khăn?

Ngoài vướng mắc nêu trên còn trở ngại gì nữa không khi nông dân vay vốn?
Bên cạnh đó việc pháp luật cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận mức vay, phương thức và quy trình, thủ tục cho vay (Khoản 1, 2, Điều 8) là quy định mở, tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng thực hiện cho vay một cách linh hoạt hơn. Nhưng cũng có tính hai mặt – Do quy định mở nên có thể bị lợi dụng dẫn đến lạm quyền, gây khó khăn, áp dụng tùy tiện…Việc thẩm định, đánh giá tính khả thi phương án sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng hoàn trả nợ của chủ trang trại hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, năng lực và ý chí chủ quan của cán bộ ngân hàng được giao thẩm định. Nếu gặp phải anh cán bộ thẩm định thiếu cái tâm trong sáng thì người vay sẽ bị gây khó dễ… Hơn nữa cho đến nay, hầu như chỉ Ngân hàng NN& PTNT cho vay đến tận các hộ gia đình theo chính sách được quy định tại Nghị định số: 55/2015/NĐ-CP .
Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong việc vay vốn theo Nghị định số: 55/2015/NĐ-CP, theo luật sư cần phải có giải pháp gì?
Như đã nói trên, theo tôi rào cản lớn nhất khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn trong Nghị định số: 55/2015/NĐ-CP là tài sản bảo đảm vay vốn (phải nộp cho tổ chức tín dụng Giấy CNQSDĐ hoặc giấy xác nhận chưa được cấp Giấy CNQSDĐ ) – Hay nói cách khác đây chính là quy định: Nông dân muốn vay vốn thì phải có tài sản đảm bảo. Để giải quyết bài toán này, theo tôi nên thành lập các quỹ bảo lãnh trong nông nghiệp. Các quỹ này sẽ làm nhiệm vụ bảo lãnh cho các khoản vay của nông nghiệp, nông dân nói chung và chủ trang trại nói riêng. Ngoài ra cần minh bạch cơ chế thỏa thuận, thẩm định …
Cảm luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)