Quy định về giao đất dịch vụ ở các quận huyện trên địa bàn Hà Nội

0
750

Nhận lời mời của kênh VTC1, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã đưa ra những ý kiến của mình về vấn đề giao đất dịch vụ hiện nay.

1. Thưa ông, quy định hiện nay của pháp luật về việc giao đất dịch vụ như thế nào? Điều kiện nào thì được giao đất dịch vụ?

Hiện tại Luật đất đai 2013 cũng như các văn bản hướng dẫn không có quy định nào đưa ra khái niệm về đất dịch vụ. Tuy nhiên dựa vào các quy định tại những văn bản pháp luật về đất đai trước đây chúng ta có thể hiểu là khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của người dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội… thì Nhà nước đã tiến hành chính sách bồi thường hỗ trợ bằng cách giao lại một phần diện tích đất cho người bị thu hồi để họ có mặt bằng để ở hoặc sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Khoản 4 Điều 4 Nghị định 17/2006/NĐ – CP (đã hết hiệu lực thi hành) đã quy định như sau:

“Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định sau đây:

1. Được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; mức đất được giao do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định; giá đất được giao bằng giá đất nông nghiệp tương ứng cộng với chi phí đầu tư hạ tầng trên đất nhưng không cao hơn giá đất tại thời điểm thu hồi đất đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định và công bố;…”

Ngoài ra, Điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ – CP (đã hết hiệu lực thi hành) còn quy định trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng và không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch.

Các khu đất dịch vụ được đền bù cho người sử dụng đất thường có đặc điểm là nằm ở vị trí gần với chính phần đất nông nghiệp đã bị thu hồi, thuận lợi cho việc kinh doanh và các dịch vụ, có đầy đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

2. Thực tế, tiến độ giao đất dịch vụ ở các quận huyện trên địa bàn Hà Nội còn đang khá chậm. Theo ông, vướng mắc lớn nhất là gì?

Theo tôi vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc giao đất dịch vụ ở các quận huyện trên địa bàn Hà Nội còn chậm xuất phát từ những tranh chấp giữa người dân và địa phương. Tôi có thể đưa ra một ví dụ về khu đất dịch vụ ở Kiến Hưng, Hà Đông như sau: do đặc thù về cơ sở hạ tầng tại khu vực này nên chính quyền địa phương ra thông báo chỉ trả cho người dân ở phường Kiến Hưng là 7.5% (theo quy định chung thì thông thường người dân phải được trả 10% đất dịch vụ). Chính vì thế, đã có một số hộ dân không đồng tình với cách trả đất như vậy nên vẫn ra ủy ban nhân dân khiếu nại về việc đền bù không thỏa đáng.

Hơn nữa tại một số địa bàn khác, đại diện các ủy ban nhân dân cho rằng nguyên nhân khiến tỷ lệ giao đất còn thấp là do các hộ dân được đền bù chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên chính quyền địa phương không thể tiến hành giao đất theo đúng quy định.

Ngoài ra, còn có rất nhiều các nguyên nhân khách quan khác dẫn đến sự chậm trễ này như: có nhiều dự án xây dựng để giao đất dịch vụ cho người dân bị đình trệ do ảnh hưởng của quy hoạch xây dựng chung của toàn thành phố hay ngân sách tại các địa phương chưa đáp ứng được hết các kinh phí đầu tư, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu đất dịch vụ.

3. Vậy để giải quyết vấn đề này thì chúng ta cần thêm cơ chế gì?

Để giải quyết được vấn đề này thì cần khắc phục được những nguyên nhân gây ra sự chậm trễ. Trước hết, đối với những vướng mắc xuất phát từ phía những người dân thì chính quyền địa phương cần làm công tác tuyên truyền, vận động, giải thích thêm cho người dân về các chính sách, quy định của pháp luật cũng như của địa phương để người dân bị thu hồi đất có thể hiểu rõ hơn về việc này. Đối với những hộ dân còn chưa hoàn thiện hồ sơ hay chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì cần khẩn trương đốc thúc, hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn.

Mặt khác, chính quyền địa phương cần cân đối thu chi; chủ động, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách cho nhiệm vụ giao đất dịch vụ. Trong trường hợp địa phương nào không còn quỹ đất dịch vụ để giao cho người dân thì có thể xem xét đề xuất trả nợ cho người dân bằng tiền.