Trong bài viết “Taxi Uber” có ảnh hưởng gì đến dịch vụ taxi truyền thống? của tác giả Hoa Kiều trên báo Đời sống pháp luật online có phần trả lời phỏng vấn về tính pháp lý của hoạt động Taxi Uber của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
(ĐSPL) – “Taxi Uber” là một lại hình Kinh doanh dịch mới ở Việt Nam giúp khách hàng có thể chủ động chọn xe khi cần. Tuy nhiên, đây cũng là dịch vụ còn tồn tại nhiều vấn đề về tính hợp pháp.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ để có chỉ đạo là rõ tính pháp lý của loại hình dịch vụ tạm gọi là “taxi” thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại di động.
Loại hình kinh doanh tạm gọi là taxi thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại di động. Hình thức hoạt động của dịch vụ “taxi Uber” là người có nhu cầu đi xe có thể dùng ứng dụng Uber trên điện thoại di động để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với 1 chủ xe gần đó. Uber sẽ phản hồi cho khách biết về lộ phí cũng như đặc điểm, thông tin chiếc xe sẽ sắp có mặt đón khách.
Hành khách phải thanh toán phí cho chuyến đi thông qua thẻ tín dụng quốc tế như: Visa, Mastercard… Ở TP.HCM cũng như loại hình “taxi” qua ứng dụng Uber thì số tiền này chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy hoa hồng 20%.
Liên quan đến tính hợp pháp của dịch vụ “taxi Uber”, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty luật SBLAW:
Theo luật sư thì loại hình kinh doanh này có những ưu và nhược điểm nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quan điểm của tôi, đây là hình thức kinh doanh mới tại Việt Nam, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm chi phí cho người dân và Xã hội nói chung. Đảm bảo an toàn giao thông. Ví dụ, hiện nay có nhiều taxi đi ẩu, lạng lách trên đường phố, phóng nhanh là do áp dụng hình thức gọi taxi theo tổng đài, khi thông báo có khách, ngay lập tức có từ 2 đến 3 xe taxi đến đón 1 khách, xe nào nhanh nhất sẽ đón được, điều này gây lãng phí lớn và tiềm ẩn rủi ro trong mất an toàn giao thông.
Hình thức mới sẽ giúp tránh được những bất cập nêu trên vì phần mềm sẽ tự xác định xe nào ở vị trí gần nhất và chỉ có một xe đến đón khách.
Khách hàng cũng sẽ được lợi vì họ sẽ chủ động trong việc lựa chọn xe, biết được lộ trình rõ ràng, số km phải di chuyển, tránh những trường hợp chạy lòng vòng của một số taxi.
Bên cạnh đó, hình thức này còn góp phần nâng cao ý thức của người dân và lái xe taxi trong việc sử dụng taxi hiện nay, khi người lái taxi dừng đỗ rất tùy tiện trên đường và khi đón khách.
Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này đó là chỉ có thể triển khai được ở những thành phố lớn, khi có mạng lưới viễn thông và 3G tốt, có số lượng taxi nhiều.
Bên cạnh đó, nhược điểm của hình thức này là hiện tại, chưa có quy định pháp lý cụ thể về loại hình dịch vụ này, nhà cung cấp dịch vụ cũng chưa có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, khi có những tranh chấp xảy ra giữa lái xe và nhà cung cấp dịch vụ thì khó xử lý.
Với hình thức kinh doanh như vậy thì nó có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của các hãng taxi, vốn từ trước đến nay hoạt động theo kiểu truyền thống?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hình thức kinh doanh taxi hiện thời tại Việt Nam chủ yếu được kinh doanh dưới hình thức tổng đài và hình thức bắt khách giữa đường, đặc biệt là tại các thành phố lớn, khi ra ngõ đã gặp taxi rồi.
Nếu hình thức này mở rộng, khi dân trí cao, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) tăng thì chắc chắn doanh thu của các hãng taxi theo hình thức truyền thống sẽ giảm.
Xin luật sư cho biết: Căn cứ theo quy định của pháp luật thì đây có được coi là hoạt động kinh doanh trái phép không? Căn cứ nào cho biết điều đó?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Về hình thức kinh doanh này, để kết luận là có phải kinh doanh trái phép hay không chúng ta cần có nhiều dữ liệu thu thập từ cơ quan chức năng mới có thể kết luận được. Tuy nhiên, hình thức này sẽ là kinh doanh trái phép khi có các điều kiện sau:
1.Chủ sở hữu của những ứng dụng này không có hiện diện thương mại tại Việt Nam, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam không đóng thuế, không tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường bộ tại Việt Nam.
2. Tiến hành liên kết với các tổ chức và cá nhân không có chức năng kinh doanh vận tải taxi.
3. Tổ chức một đội ngũ phương tiện riêng, không đăng ký kinh doanh dịch vụ taxi.
Hình thức này sẽ hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau:
Chủ sở hữu các ứng dụng này ký thỏa thuận hợp tác với các hãng taxi, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ, lợi nhuận của các bên, khi phát sinh lợi nhuận. Nếu họ không có hiện diện thương mại tại Việt Nam thì các hãng taxi có thể trích lại phần thuế đó nộp vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hình thức kinh doanh lâu dài và hợp pháp tại Việt Nam, họ có thể thành lập doanh nghiệp với ngành nghề là dịch vụ hỗ trợ taxi, không trực tiếp triển khai dịch vụ taxi tại Việt Nam và hoạt động như Doanh nghiệp bình thường.
Loại hình kinh doanh này có tạo nên khó khăn gì đối với khách hàng trong trường hợp xảy ra tranh chấp về tiền cước, mất hành lý…?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại, do hình thức pháp lý của hình thức kinh doanh này chưa rõ ràng, bên cạnh đó, do tôi cũng không có thông tin là chủ của các ứng dụng này có ký thỏa thuận với các hãng taxi hay không, trong đó có quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hay không? Vì vậy khi xảy ra các Sự kiện tranh chấp như mất, thất lạc hành lý, tiền cước thì khó giải quyết vì không biết người sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng là ai, lái xe hay chủ ứng dụng?
Pháp luật hiện nay có quy định như thế nào về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, cụ thể là theo Điều 67 thì kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và kinh doanh dịch vụ taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định như số lượng, chất lượng xe, người điều hành doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn, phải có đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư thì cần có biện pháp xử lý như thế nào đối với hình thức kinh doanh taxi Uber đang diễn ra ở TP.HCM và có khả năng sẽ mở rộng đối ở các tỉnh khác?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đây là một hình thức kinh doanh mới, có nhiều tiện lợi, theo quan điểm của cá nhân tôi, các cơ quan chức năng cần xem xét vụ việc một cách thấu đáo, trên tinh thần trợ giúp doanh nghiệp và bảo đảm kinh doanh hợp pháp, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng: Nếu chủ sở hữu của các ứng dụng mà chưa có đăng ký kinh doanh, không tiến hành ký kết với các chủ hãng taxi quy chế phối hợp thực hiện, tổ chức mạng lưới taxi riêng, không tiến hành đóng thuế cho nhà nước thì chúng ta cần thông báo, yêu cầu chủ các ứng dụng này ngừng ngay lập tức và có thể áp dụng các chế tài xử phạt; Thông báo cho người tiêu dùng về những bất lợi và thiệt hại có thể xảy ra khi sử dụng hình thức này.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu mô hình này, ban hành hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh mô hình này thành công tại Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Xin cảm ơn luật sư!
Link bài báo: