Tình trạng lấn chiếm đất tại các dự án hiện nay

0
427

Nhận lời mời của kênh VTC1, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có những ý kiến đánh giá xoay quanh vấn đề lấn chiếm đất dự án hiện nay.

1. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng lấn chiếm đất tại các dự án hiện nay?

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ – CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tình trạng lấn chiếm đất tại các dự án đã xuất hiện và liên tục tiếp diễn ở nước ta trong một thời gian dài, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Hiện nay việc lấn chiếm đất dự án thường xảy ra đối với đất nông lâm nghiệp theo đó những loại đất này đã được UBND tại các địa phương giao cho các doanh nghiệp làm dự án song những doanh nghiệp này thường sử dụng hết diện tích đất được giao dẫn đến việc người dân địa phương lấn chiếm để trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó tại các dự án được quy hoạch để xây dựng các khu vui chơi giải trí hay khu đô thị cũng gặp phải tình trạng lấn, chiếm xây dựng trái phép từ phía người dân. Về cơ bản, việc người dân tự ý lấn chiếm đất tại các dự án như vậy là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật về đất đai.

2. Theo quy định, hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?

Lấn, chiếm hủy hoại đất đai là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 12 Luật đất đai 2013. Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ – CP đã quy định về hình thức xử phạt các hành vi lấn chiếm đất đai như sau:

“Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

3. Theo ông, ai là người chịu trách nhiệm chính trong câu chuyện này?

Về vấn đề này thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư dự án. Theo như tôi tìm hiểu và đã trình bày ở phần trên, đa phần những trường hợp đất bị lấn chiếm đều xuất phát từ nguyên nhân chậm trễ của các chủ đầu tư khiến cho đất dự án chưa được triển khai hoặc không sử dụng hết phần diện tích đất được giao. Chính lí do này đã tạo điều kiện để cho những người dân thực hiện hành vi vi phạm của mình một cách dễ dàng.

Trách nhiệm thứ hai thuộc về chính những người dân tự ý lấn, chiếm đất đai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình. Theo tôi, có rất nhiều yếu tố khiến người dân mắc phải những sai sót này như việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật về đất đai, xuất phát từ sự chậm trễ trong việc triển khai dự án của doanh nghiệp khiến người dân cho rằng đất đang bị bỏ hoang. Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp người dân ý thức được việc làm của mình là sai trái song vì những lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình thực hiện. Tuy nhiên dù vì lí do gì thì họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình.

Trách nhiệm cuối cùng theo tôi thuộc về chính quyền địa phương. Chính vì sự thờ ơ của các cơ quan có thẩm quyền đã khiến cho tình trạng này diễn ra ngày càng phức tạp, tràn lan. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần triển khai việc tuyên truyền pháp luật về đất đai đến người dân tại địa phương của mình; đối với những dự án không thực hiện đúng tiến độ cần kiểm tra, đốc thúc thường xuyên, trong trường hợp chủ đầu tư sau nhiều lần được nhắc nhở vẫn còn trậm chễ trong việc triển khai dự án thì cần tiến hành các biện pháp xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần tiến hành giải quyết dứt điểm, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm để làm gương cho các trường hợp sau.