Câu 1: Gần đây, phía Tòa án nhân dân Q.10, TP.HCM có chủ động cung cấp thông tin cho một số tờ báo, trang mạng về việc gia đình ca sĩ Tim – Trương Quỳnh Anh đã ly hôn, thậm chí còn thông tin về phiên toàn, về việc ai nuôi con, phân chia tài sản thế nào…Trong khi đó, ca sĩ Tim đã lên tiếng phủ nhận, người trong cuộc tỏ ý không muốn công khai chuyện này. Nhiều người thắc mắc việc làm này của TAND Q.10 có vi phạm quyền bảo vệ đời tư của công dân hay không?
Luật sư trả lời:
Tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác …”.
Khoản 2 Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định:
“2. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín”.
Điều 76 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có quy định về trách nhiệm của Thẩm phán như sau:
“4. Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật.
…
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các quyết định của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thìtùytheo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Thẩm phán trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử có trách nhiệm bồi thường và Thẩm phán đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án theo quy định của luật”.
Thứ nhất, trong trường hợp này phải xác định: người công khai thông tin này là ai? Có thẩm quyền gì?
Thứ hai, trường hợp này có yêu cầu xử kín và được chấp thuận hay không? Tài liệu, văn bản chứng minh?
Thông thường Tòa án sẽ xét xử công khai. Tuy nhiên trong một số trường hợp để giữ bí mật gia đình, bí mật cá nhân của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín. Trong trường hợp này, nếu Tim và Trương Quỳnh Anh có gửi đơn yêu cầu Tòa án xét xử kín và được Tòa chấp thuận mà Tòa án lại công khai thông tin cho báo chí như vậy là xâm phạm quyền bảo vệ đời tư của công dân theo quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật dân sự năm 2015.
Câu 2: Xin anh cho biết, trong trường hợp nào thì các cơ quan như Tòa án được quyền cung cấp thông tin về đời tư của người khác và cung cấp cho ai?
Luật sư trả lời:
Các cơ quan như Tòa án được quyền cung cấp thông tin về đời tư của người khác trong trường hợp:
Thứ nhất, bản án, quyết định liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý; bản án, quyết định liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
Thứ hai, Chánh án tòa án đã ban hành bản án, quyết định quyết định việc công khai cung cấp bản án, quyết định liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý.
Câu 3: Trước đó, một cơ quan Tòa án khác cũng đã cung cấp thông tin về chuyện vợ chồng diễn viên Trương Ngọc Ánh và Trần Bảo Sơn ly hôn khi chưa được sự đồng ý của người trong cuộc. Anh nghĩ sao về việc các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án cứ tự động cung cấp thông tin về đời tư người khác khi chưa hỏi ý kiến người trong cuộc, nhiều người cho rằng hành động đó là thiếu nhân văn?
Luật sư trả lời:
Việc công khai bản án là cần thiết nhưng đối với những bản án, quyết định hôn nhân gia đình liên quan đến đời tư của người khác nếu không phải là án xử kín thì cần phải được mã hóa hoặc đổi tên đương sự.
Vì bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận. Mặc dù Điều 38 BLDS năm 2015 không đưa ra khái niệm bí mật đời tư, nhưng theo lẽ thông thường có thể hiểu bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người khác biết. Trong hoàn cảnh pháp luật hiện chưa có quy định rõ ràng về khái niệm và phạm vi “bí mật đời tư” thì xét ở góc độ nghĩa của từ ngữ theo từ điển tiếng Việt, bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân (thông tin, tư liệu…) được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra.
Do đó, trước khi công khai thông tin về đời tư của người khác thì nên hỏi ý kiến của họ trước, trừ trường hợp liên quan tới lợi ích công cộng.
Câu 4: Đứng ở góc độ pháp lý, người bị cung cấp thông tin đời tư có thể khởi kiện người bên Tòa án đã cung cấp thông tin về đời tư của mình khi chưa được sự đồng ý từ đương sự hay không?
Luật sư trả lời:
Trong trường hợp, nếu đương sự đã yêu cầu Tòa xử kín và giữ bí mật thông tin mà người bên Tòa án vẫn cung cấp thông tin đó cho báo chí thì người bị cung cấp thông tin đời tư có thể gửi đơn khiếu nại lên Chánh án, Thẩm phán Tòa án đó để có thể giải quyết vụ việc.
Câu 5: Trong việc này, theo anh, các trang tin, trang mạng xã hội có lỗi hay không khi cố tình khai thác thông tin về đời tư của “Sao” thông qua tòa án?
Luật sư trả lời:
Khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 có quy định như sau:
“2. Nhà báo có các quyền sau đây:
…
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của phápluật; …”.
Như vậy, pháp luật cho phép nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Nhưng theo quan điểm của tôi, các nhà báo không nên cố tình tình khai thác thông tin đời tư của người khác vì “bí mật đời tư” có thể hiểu là “chuyện trong nhà” của cá nhân nào đó, những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân phải được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra.