Tòa bác đơn kiện Công ty Trường Hải: Khách mệt mỏi, DN mang tiếng

0
372

(Dân Việt) “Việc khách hàng phải khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án là chuyện cực chẳng đã. Khách cũng mệt mỏi mà thương hiệu của Công ty ôtô Trường Hải cũng bị “sứt mẻ” phần nào, cho dù tòa đã bác đơn khởi kiện của khách hàng”.

Thông tin về việc TAND TP. Vinh đã tuyên bác hoàn toàn đơn khởi kiện của ông Phan Văn Thông (ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đối với Công ty CP ô tô Trường Hải về việc bảo hành xe ô tô Mazda bị hỏng đã dấy lên phản ứng của người tiêu dùng.

Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW xung quanh vụ việc này.

 toa bac don kien cong ty truong hai: khach met moi, dn mang tieng hinh anh 1

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Luật sư Hà đánh giá: Không chỉ riêng ô tô mà phần lớn các mặt hàng liên quan đến điện, máy… hãng sản xuất đều có bảo hành. Nhưng trên thực tế khi có sự cố xảy ra, khách hàng muốn được bảo hành thì gặp muôn vàn khó khăn; chỉ riêng cái việc khách hàng gặp gỡ được họ cũng không đơn giản.

Gặp được rồi thì họ đưa ra rất nhiều lý do để thoái thác, rũ bỏ trách nhiệm. Trong khi đó phần lớn những sản phẩm này muốn hiểu được nó cũng cần phải có kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; thế là họ cứ lấy cái đó ra để lòe khách hàng nên đành chịu.

Có trường hợp, theo cam kết bảo hành khi sản phẩm bị hư hỏng lẽ ra phải đổi sản phẩm mới thì họ lại sửa chữa; sửa chữa cũng không đến nơi đến chốn, rồi lại hỏng… lúc đó đã hết thời gian bảo hành.

Khi họ đã nắm được tiền của mình rồi thì rất khó mà lấy lại được, mà có “chờ được vạ, thì má đã sưng”. Nói chung khách hàng luôn ở vào thế yếu. Vậy nên, gặp những trường hợp này khách hàng cần phải “cứng” để họ không dễ “bắt nạt”

Được biết trên thực tế không ít vụ việc xảy ra tương tự như vụ của ông Phan Văn Thông. Trong những tình huống như vậy thì cần giải quyết thế nào cho hiệu quả nhất?

Trên nguyên tắc về quyền tự định đoạt, thỏa thuận của các đương sự theo quy định của pháp luật thì khi có sự cố xảy ra, trước tiên hai bên cần phải thương lượng, thỏa thuận với nhau. Việc thỏa thuận này được pháp luật tôn trọng, bảo vệ (tất nhiên thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội). Khi hai bên không đạt được thỏa thuận thì khởi kiện đến tòa án.

 toa bac don kien cong ty truong hai: khach met moi, dn mang tieng hinh anh 2

Chiếc xe Mazda BT50 của anh Phan Văn Thông trước và sau khi bị lỗi. Nguồn ảnh: Kiến Thức

Quay trở lại vụ việc của ông Phan Văn Thông và Công ty CP ôtô Trường Hải. Tôi cho rằng sự cố xảy ra là điều mà ông Thông và Công ty CP ôtô Trường Hải đều không mong muốn. Tuy nhiên sự cố đó là một thực tế nên cả hai bên đều cần phải có thiện chí để giải quyết. Vì sự cố xảy ra mang yếu tố kỹ thuật, bởi vậy để xác định được rạch ròi, cụ thể sẽ tốn rất nhiều công sức, thời gian tiền của cả hai bên.

Về phía Công ty ôtô Trường Hải, là một doanh nghiệp nên điều quan trọng nhất với Trường Hải là chữ tín, là tiếng tăm vì họ còn phải làm ăn lâu dài.

Bởi vậy cũng nên vì thương hiệu của mình mà có thể chấp nhận “lùi” một bước. Còn về phía ông Phan Văn Thông cũng nên chấp nhận thiệt thòi một chút. Có như vậy hai bên mới có “điểm chung” khi thương lượng.

Không trực tiếp theo dõi vụ việc, nhưng tôi cho rằng việc ông Thông phải khởi kiện đến tòa án là chuyện cực chẳng đã mà thôi. Ông Thông cũng mệt mỏi mà thương hiệu Công ty ôtô Trường Hải cũng bị “sứt mẻ” cho dù tòa tuyên bác đơn khởi kiện của ông Thông. Tôi nghĩ sau vụ việc này, khách hàng sẽ rất thận trọng khi có ý định mua ôtô của Công ty ôtô Trường Hải

Vậy luật sư đánh giá thế nào về phán quyết của TAND TP. Vinh bác đơn khởi kiện của ông  Phan Văn Thông vì  ông Thông  không đưa ra được cơ sở chứng minh được chiếc xe Mazda hỏng là do lỗi của nhà sản xuất?

Để nhận xét chính xác, cần phải tiếp cận hồ sơ, tham gia quá trình giải quyết… Bởi vậy tôi chỉ có thể nói về mặt nguyên tắc.

Theo quy định tại Điều 6, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì: Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.

Như vậy, trong trường hợp này, chứng cứ của ông Thông là chiếc xe bị hỏng, là phiếu bảo hành, hóa đơn, phiếu thu tiền… đối với Thaco Trường Hải cũng không thể nói rằng sự cố của xe là do lỗi của khách hàng .Theo tôi để có kết luận khách quan cần có kết luận giám định kỹ thuật của cơ quan giám định độc lập.

Xin cảm ơn luật sư!

Ngày 21.4. 2015, ông Phan Văn Thông mua chiếc xe Mazda BT 50. Ngày 16.3.2016 thì xe gặp sự cố. Ông Thông đã gọi ngay tới số đường dây nóng của Mazda Việt Nam. Sau đó, xe của ông được Mazda Quảng Trị kéo về xưởng. Hai bên đã làm việc với nhau nhiều lần nhưng không tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng ông Thông đã khởi kiện ra toà. Ngày 23.3, TAND TP Vinh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án này, tại phiên toà đại diện VKSND TP Vinh đề nghị HĐXX hoãn xử để trưng cầu bên thứ ba giám định nguyên nhân dẫn đến hỏng xe. Tuy nhiên, ông Thông và phía bị đơn đều đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. HĐXX quyết định tiếp tục xét xử và tuyên bác đơn khởi kiện của ông Thông bởi ông Thông không đưa ra được cơ sở chứng minh được chiếc xe Mazda hỏng là do lỗi của nhà sản xuất.