Trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

0
572

Câu hỏi: Hiểu thế nào cho đúng quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP? Người dùng mạng xã hội phải điều chỉnh như thế nào?

Trả lời:

Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2020. Nghị định có rất nhiều điểm mới và quan trọng, đang được đông đảo mọi người quan tâm vì ở Việt Nam lượng người dùng mạng xã hội vô cùng lớn. Trước đây, có rất nhiều người dùng mạng xã hội tự do chia sẻ các tác phẩm mà không có ý thức và hiểu biết về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ra quy định khá rõ ràng về việc cấm thực hiện hành vi trên và nâng mức chế tài xử phạt.

Điển hình là Điều 101 Nghị định này có quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, theo đó, các hành vi như: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; …. là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.

Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu đúng về quy định trên tránh hiện tượng thiếu hiểu biết gây ra những hành vi vi phạm pháp luật.

Khoản a Điểm 1 Điều 101 quy định cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, đã có nhiều thắc mắc xung quanh việc đưa Nghị định vào thực tiễn, như làm thế nào để xác định đâu là tin giả, tin xuyên tạc? Cho đến nay chưa có khái niệm, định nghĩa hay diễn giải cụ thể rằng thế nào là “thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm” để người dân có thể nắm được hành vi nào là vi phạm mà tránh không thực hiện.

Tuy nhiên, theo Điểm đ Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì việc chứng minh hành vi vi phạm hành chính sẽ thuộc về cơ quan có thẩm quyền chứ không thuộc về người có hành vi vi phạm. Do đó, nếu cơ quan thẩm quyền không đưa ra được các căn cứ, lập luận phù hợp thì không thể xác định đối tượng có hành vi vi phạm để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, căn cứ vào điều luật thì có thể khẳng định không chỉ với hành vi tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng, mà việc tương tác hay chia sẻ tin giả trên Facebook cũng sẽ bị xử lý theo khung hình phạt nêu trên.

Thứ hai, cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ theo điểm đ Khoản 1 Điều này. Theo đó, các tác phẩm báo chí ở đây bao gồm: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ảnh, điều tra, bình luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình báo, điện tử hoặc các phương tiện khác. Các tác phẩm này được bảo hộ bởi Quyền tác giả và Quyền tác giả thường được xác lập đối với những người sáng tạo ra tác phẩm và cho phép người sáng tạo kiểm soát được việc khai thác, sao chép, cải biên, công bố tác phẩm của mình.

Vì vậy, mọi hành động chia sẻ, cung cấp các tác phẩm báo chí dưới các hình thức kể trên đều phải do chủ quyền sở hữu trí tuệ kiểm soát và quyết định. Nếu không có sự đồng ý mà người khác vẫn cố tình chia sẻ trên các mạng xã hội đều được coi là vi phạm pháp luật và thuộc hành vi bị cấm.

Thứ ba, cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu. Trước tiên cần phải hiểu tác phẩm báo chí chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu tức là tác phẩm chưa hoặc không được đưa ra sử dụng, chia sẻ rộng rãi từ người này qua người khác, từ nơi này qua nơi khác trong xã hội. Vì vậy việc chia sẻ các tác phẩm đang trong thời gian chưa được cấp phép hay bị cấm lưu hành đều là trái pháp luật.

Để tránh vi phạm pháp luật, người dùng mạng xã hội cần phải hiểu rõ về các quy định Pháp luật trước khi dùng và chia sẻ, đăng tải bất cứ nội dung gì lên trang cá nhân của mình. Đồng thời, cần phải tìm hiểu về nguồn của tác phẩm và nếu muốn được chia sẻ, người dùng cần phải xin phép đúng người tạo ra tác phẩm đó. Ngoải ra người dùng nên tìm hiểu về việc tác phẩm đó có đang được phép lưu hành hay không. Đối với người dùng muốn đăng hoặc cung cấp các tác phẩm báo chí cần phải xin giấy phép lưu hành sản phẩm.

Nếu phát hiện có hành vi xâm phạm quyền tác giả hay vi phạm quy định trên, những người dùng mạng xã hội khác có thể báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và trên chính mạng xã hội để các cơ quan có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời bài đăng có thể bị gỡ bỏ tránh gây ảnh hưởng đến quyền chủ sở hữu cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh hoặc nội dung trong trường hợp tác phẩm báo chí ấy chưa được kiểm duyệt hay vi phạm dẫn đến việc chưa được lưu hành hay bị cấm lưu hành.

Mạng xã hội luôn có hai mặt của nó, vì vậy mọi người nên có ý thức với phát ngôn và chia sẻ của mình, tôn trọng sản phẩm của người khác làm ra và cân nhắc đến những ảnh hưởng, hậu quả khác từ bài viết của mình.