Tranh chấp giữa các đồng tác giả về quyền nhân thân

0
796

Tại phần 1.1.1 tác giả đa đề cập, Điều 19, Luật SHTT sửa đổi bổ sung năm 2009 thì QNT được quy định như sau:

“1. Đặt tên cho tác phẩm

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”

Tuy nhiên trên thực tiễn thì đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp giữa các ĐTG. Nguyên nhân của nó lại không phải hoàn toàn xuất phát từ phía các ĐTG mà do quy định của luật pháp chưa đáp ứng được nhu cầu đang nảy sinh trong thực tiễn. Để minh họa cho hạn chế của pháp lý khi nảy sinh tranh chấp giữa các ĐTG sau đây tôi sẽ phân tích vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ giữa hai công ty truyện tranh lớn tại Việt Nam đó là Công ty TNHH SX-TM-DV Lê Linh (sau đây gọi tắt là Công ty Lê Linh) và Công ty TNHH TM-DV-KT & Phát triển tin học Phan Thị (sau đây gọi tắt là công ty Phan Thị) về QTG đối với bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Cụ thể tranh chấp này xảy ra như sau:

Ban đầu, họa sĩ Lê Phong Linh đã hợp tác với Công ty Phan Thị sáng tác bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Bộ truyện tranh cùng với 4 nhân vật chính của truyện là Tí, Sửu, Dần, Mẹo đã được Cục Bản quyền tác giả vào năm 2002 chứng nhận QTG của “hình thức thể hiện nhân vật Trạng Tí” trong bộ truyện Thần đồng đất Việt thuộc về “tập thể tác giả”, và chủ sở hữu “hình thức thể hiện nhân vật Trạng Tí” thuộc về Công ty Phan Thị.

Bộ truyện được xuất bản tới tập 78 thì ông Lê Phong Linh không còn hợp tác với Công ty Phan Thị nữa. Sau khi họa sĩ Lê Linh ngừng việc hợp tác với Công ty Phan Thị thì Phan Thị vẫn cho xuất bản các tập kế tiếp của bộ truyện dựa theo nét vẽ hình mẫu nhân vật của Lê Linh.

Sau đó, tác giả Lê Linh đã chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị. Đơn kiện yêu cầu Công ty Phan Thị công nhận ông Lê Phong Linh là tác giả duy nhất đối với hình vẽ các nhân vật truyện tranh trong Thần đồng đất Việt chứ không phải đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như trong đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký QTG mà 2 người đã đăng ký và Công ty Phan Thị không được tiếp tục sáng tác bộ truyện tranh này (từ tập 79 trở đi).

Như vậy trong trường hợp này, căn cứ vào Khoản 4, Điều 19 Luật SHTT năm 2009, nếu xét theo chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả cấp đối với bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt – Lê Phong Linh và Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả thì sau khi họa sĩ Lê Phong Linh ngừng cộng tác với Công ty Phan Thị và Công ty này vẫn tiếp tục xuất bản các tập tiếp theo của bộ truyện (dựa theo nét vẽ hình mẫu nhân vật của Lê Linh) là không “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” tức là tiếp tục sáng tác – làm khác đi bộ truyện tranh sau khi Lê Linh chấm dứt hợp tác với ĐTG Phan Thị Mỹ Hạnh.

Tại khoản 4, Điều 19, Luật SHTT đã quy định QNT đồng nhất giữa tác giả là cá nhân duy nhất và các ĐTG: “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm”, quy định này có thể dẫn tới việc các ĐTG lạm dụng QNT, cản trở việc khai thác tác phẩm của ĐTG hoặc các ĐTG còn lại, dẫn tới hạn chế khả năng tiếp cận của người sử dụng tác phẩm.

Trả lời câu hỏi, tại sao trước đây Lê Phong Linh tự nguyện ký vào đơn xin cấp giấy chứng nhận bản quyền là đồng tác giả, bây giờ lại khiếu kiện đòi Công ty Phan Thị công nhận mình là tác giả duy nhất? Lê Phong Linh cho biết: “Trước đây khi ký đơn, chị Mỹ Hạnh nói là để bảo vệ quyền lợi cho cả hai người, trong đơn không ghi đồng tác giả mà ghi là cùng thực hiện. Quá trình sáng tạo ra các nhân vật trong Thần đồng đất Việt là do Lê Linh trực tiếp sáng tạo, nên tác giả phải là Lê Linh”. Qua câu trả lời này của họa sĩ Lê Linh có thể thấy sự kém hiểu biết về Luật SHTT – pháp luật điều chỉnh lĩnh vực mà chính tác giả đang tiến hành hoạt động. Do đó mới dẫn đến tranh chấp nảy sinh hiện nay. Do vậy, trang bị cho mình một vốn hiểu biết pháp luật điều chỉnh lĩnh vực mình đang hoạt động là điều hết sức cần thiết đối một tác giả.

Đồng thời tại khoản 4, điều 28 Luật SHTT năm 2009 quy định hành vi xâm phạm QTG là: “công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó”.  Nếu căn cứ vào quy định này đồng thời xét theo chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả cấp đối với bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt do Lê Phong Linh và Phan Thị Mỹ Hạnh là ĐTG thì Công ty Phan Thị đã xâm phạm QTG do không “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” và tiếp tục phân phối tác phẩm bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt mà không được phép của ĐTG Lê Phong Linh.

Khoản 4, điều 28 Luật SHTT năm 2009 quy định hành vi xâm phạm QTG là: “công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó”. Quy định này dễ dẫn đến những khiếu kiện về sau liên quan đến QNT, lý do cũng là vì các ĐTG lạm dụng QNT, cản trở việc khai thác tác phẩm của ĐTG đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, dẫn tới hạn chế khả năng tiếp cận của người sử dụng tác phẩm, hoặc nguyện vọng hoàn thành tác phẩm của tập thể ĐTG.

            Như vậy một thực trạng đáng lưu tâm mà pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được đó là nếu các ĐTG cùng sáng tạo ra một tác phẩm mà chỉ cần một trong  các tác giả đó từ bỏ việc sáng tác trong khi tác phẩm đang còn chưa hoàn thành thì ĐTG đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm sẽ không thể tiếp tục nếu chưa được phép của ĐTG đã từ bỏ hợp tác trước đó. Việc này sẽ dẫn tới phương hại về ý tưởng sáng tác, ngừng trệ hoàn thiện tác phẩm của ĐTG. Trong trường hợp ĐTG vẫn tiếp tục sáng tạo tác phẩm mà không được sự đồng ý hoặc không xin ý kiến của ĐTG đó thì sẽ dẫn tới tranh chấp nảy sinh về QNT .

Cụ thể là trong trường hợp Công ty Phan Thị muốn tiếp tục xuất bản truyện tranh Thần đồng đất Việt mà không được sự đồng ý của ĐTG Lê Phong Linh thì sẽ ảnh hưởng tới nguyện vọng tiếp tục sáng tác của ĐTG Phan Thị Mỹ Hạnh và cả tới nhu cầu của độc giả vẫn đang đón chờ những tập tiếp theo của bộ truyện tranh này. Hoặc nếu Phan Thị Mỹ Hạnh vẫn tiếp tục sáng tác bộ truyện tranh mà không thông qua ý kiến ĐTG Lê Phong Linh sẽ dẫn tới những khiếu kiện về sau liên quan đến QNT.

Vụ tranh chấp bản quyền SHTT giữa Công ty Phan Thị và Công ty Lê Linh không dừng lại ở việc Lê Phong Linh kiện Phan Thị Mỹ Hạnh vi phạm QNT và yêu cầu Công ty Phan Thị công nhận ông Lê Phong Linh là tác giả duy nhất đối với hình vẽ các nhân vật truyện tranh trong Thần đồng đất Việt và đề nghị Cục Bản quyền tác giả xoá tên đồng tác giả Phan Thị Mỹ Hạnh trong mà sau đó Công ty Phan Thị với sự đại diện của luật sư Nguyễn Vân Nam với chủ đích lật ngược tình thế “sẽ chứng minh rằng ông Lê Phong Linh không phải là tác giả” mặc dù trong đơn xin đăng ký, có tên ông Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, và có đề rõ ràng là ĐTG.

Theo Khoản 7, Điều 4 và Khoản 3, Điều 14 Luật SHTT Việt Nam năm 2009 quy định: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” và “phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”. Chính từ quy định đối với thuật ngữ “tác phẩm” này là một trong những điều kiện để phát sinh tranh chấp. Nếu định nghĩa về “tác phẩm” được quy định bổ sung thêm giới hạn bởi dấu ấn cá nhân thể hiện trên tác phẩm đồng thời dấu ấn cá nhân có trong quy định khi đăng ký QTG thì điều này sẽ không dễ dàng cho các ĐTG tranh chấp quyền nhân thân như trường hợp Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh.

Và lý do họ kiện nhau như vậỵ xuất phát từ nhiều lý do mà tác giả sẽ lý giải và làm rõ hơn ở những phần sau.