Tranh chấp giữa các đồng tác giả về quyền tài sản

0
687

QTS được quy định tại Điều 20, khoản 1 Luật SHTT sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:

“1.Làm tác phẩm phái sinh;

2. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

3. Sao chép tác phẩm;

4. Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

5. Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

6. Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.”

            Để làm rõ hơn về thực trạng vấn đề tranh chấp này, tác giả tiếp tục phân tích tình huống tranh chấp giữa Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Phong Linh.

            Khoản 1, điều 38 luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các QNT và QTS  đối với tác phẩm đó, đồng thời, điều 39 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định:

            Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả:

1. Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các QTS và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các QTS và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Với các quy định tại điều 38 và điều 39 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2009 nêu trên thì quyền sử dụng và khai thác hình ảnh nhân vật Trạng Tý  thuộc về Công ty Phan Thị. Và diễn biến vụ tranh chấp giữa Công ty Phan Thị và Lê Linh không dừng lại ở việc Lê Linh kiện công ty Phan Thị xâm phạm QNT mà sau đó một vụ kiện mới giữa hai công ty này lại diễn ra nhưng lần này lại là Công ty Phan Thị kiện họa sĩ Lê Linh vì đã sử dụng hình ảnh Trạng Tý trong truyện tranh Thần đồng đất Việt để xây dựng hình ảnh nhân vật Long Tinh trong truyện tranh Long Thánh mặc dù bộ truyện tranh Long Thánh đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả bộ truyện tranh Long Thánh số 751/2007/QTG ngày 24/4/2007 cấp cho Lê Linh. Cụ thể như sau:

Ngày 5/5/2008 Công ty Phan Thị đã có công văn gửi NXB Trẻ – đơn vị cấp phép xuất bản bộ truyện Long Thánh và cả bộ truyện Thần đồng đất Việt – cùng với đơn vị phát hành bộ truyện này là FAHASA và Trường Phát với nội dung: tác giả Lê Linh đã sử dụng hình ảnh Trạng Tí trong Thần đồng đất Việt – đã đăng ký bản quyền và Công ty Phan Thị đang là chủ sở hữu – để xây dựng nhân vật Long Tinh trong bộ truyện tranh Long Thánh, yêu cầu có sự ngăn chặn vi phạm bản quyền tác giả bộ truyện tranh này.

Ngày 6/5/2008, Công ty Phan Thị tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Cục Bản quyền tác giả đề nghị huỷ giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả bộ truyện tranh Long Thánh số 751/2007/QTG ngày 24/4/2007 cấp cho Lê Linh với lý do “Ông Lê Phong Linh đã sao chép hình tượng nhân vật Trạng Tí đã cấp cho Công ty Phan Thị để xây dựng nhân vật Long Tinh trong truyện tranh Long Thánh.”. Dưới đây là hình vẽ 2 nhân vật Long Tinh và Trạng Tý click để xem =>long tinh và trạng tí

Lê Linh cho rằng: Đặc điểm nhân dạng nhân vật chính Long Tinh hoàn toàn khác với Trạng Tý. Trong khi tóc của Trạng Tý có ba chỏm, rất ngắn, mắt xếch, sún hai răng cửa, mặc áo có vẽ hình bản đồ Việt Nam trước ngực… Thì Long Tinh tóc có một chỏm dài và đen tuyền, mắt tròn, răng đều, không bị sún, trang phục áo đen thắt dây lưng lụa… Về tỷ lệ thân đầu, kích thước… cũng hoàn toàn khác. Đây là lý quan điểm từ phía họa sĩ Lê Linh, còn trên thực tế hình ảnh của Long Tinh có sao chép từ Trạng Tý hay không cần có sự thẩm định của các cơ quan giải quyết tranh chấp. Nhưng cơ sở nào để làm căn cứ thẩm định và giải quyết tranh chấp này một cách công bằng và thỏa đáng nhất thì đây lại là một vấn đề nữa đặt ra đối với pháp luật SHTT.

Tại khoản 10, điều 4 Luật SHTT Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu giữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử.” Tuy nhiên, Luật SHTT không có quy định cụ thể về mặt định lượng sao chép ở mức độ  nào thì bị coi là vi phạm để làm căn cứ giải quyết khi nảy sinh tranh chấp. Điều này không những là nguyên nhân nảy sinh tranh chấp pháp lý mà còn gây nhiều khó khăn cho các cơ  quan giải quyết tranh chấp trong quá trình giám định đối tượng bị cho là sao chép.

Tiếp đó, với đơn khiếu nại này, ngày 30/5/2008, sau khi nghiên cứu các tài liệu do Công ty Phan Thị cung cấp, kiểm tra hồ sơ đăng ký và các văn bản giải trình của NXB Trẻ cùng Cty TNHH SX-TM-DV Lê Linh, Cục Bản quyền tác giả đã có công văn số 125/BQTG –BQ do Phó cục trưởng Vũ Ngọc Hoan ký trả lời: “Các nhân vật trong cuốn truyện tranh Long Thánh gồm Long Tinh (cùng 3 nhân vật chính khác) đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho tác giả, chủ sở hữu Lê Phong Linh đối với loại hình tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Và Phan Thị cũng gửi đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với Công ty TNHH TM DV Lê Linh vì các lý do: Lê Linh quảng cáo nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, gây rối hoạt động kinh doanh của Phan Thị.

Tuy nhiên, vụ kiện này phải tạm gác lại đợi kết quả của vụ kiện đầu tiên. Nhưng đỉnh điểm bất ngờ của vụ kiện này là ngày 6/6/2008, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, kê biên tài sản đang tranh chấp gồm 10.000 cuốn truyện tranh Hào quang trong cổ miếu (tập 1 của bộ truyện tranh Long Thánh) tại 2 địa điểm: Công ty Phát hành sách FAHASA TP.HCM, số 60- 62 Lê Lợi, TP.HCM và Công ty Phát hành Trường Phát, 179 Lý Chính Thắng, Q3, TP.HCM. Đỉnh điểm đó là vụ kiện thứ ba – Công ty Phan Thị áp dụng hình thức phản tố, khởi kiện Lê Phong Linh, vì Lê Phong Linh đã làm phiền nhiễu gây cản trở việc thực hiện quyền tài sản của Công ty Phan Thị trong sản xuất kinh doanh và đòi ông Lê Phong Linh bồi thường thiệt hại (ước tính khoảng 350 đến 400 triệu đồng).

Trên đây là hành vi của các bên tranh chấp QTG. Việc các tác giả và các đơn vị không thỏa thuận rõ ràng về QTG cộng với sự kém hiểu biết về Luật SHTT của các bên tác giả khi hợp tác chính là căn nguyên của vụ kiện phức tạp này. Điều này cũng dễ dẫn đến việc tác giả có nguy trở thành người xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm do chính mình sáng tạo.

Qua tình huống tranh chấp QTG giữa các ĐTG có thể thấy được xuất phát điểm của các tranh chấp này là do nhiều nguyên nhân, trong đó: quy định của Luật SHTT về QNT còn nhiều điểm chưa đáp ứng đươc nhu cầu của các ĐTG, đồng thời Luật cũng chưa quy định đầy đủ đối với thuật ngữ “tác phẩm”, chưa có quy định đối với thuật ngữ ‘tác giả”, “đồng tác giả”, “tác phẩm đồng tác giả” và chưa có quy định về định lượng sao chép một cách chi tiết, cụ thể cộng với vấn đề kém hiểu biết pháp luật của tác giả là nguồn gốc nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý khi tranh chấp xảy ra, là cơ sở dẫn tới việc các ĐTG kiện tụng nhằm mục đích tranh chấp quyền lợi cho cá nhân, tổ chức mình.