Hiểu theo nghĩa chung nhất, tranh chấp là hoạt động có hai hay nhiều người cùng xác nhận quyền của mình đối với tài sản đó và phủ định quyền của người kia đối với tài sản mà tài sản đó hiện không rõ thuộc về người nào. Đó có thể là tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản hoặc là tranh chấp về chia di sản thừa kế, tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ…
Tranh chấp trong từng lĩnh vực lại có từng khái niệm cụ thể khác nhau, như:
Tranh chấp trong kinh tế được hiểu là sự bất đồng chính kiến, sự mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh tế ở các cấp độ khác nhau.
Tranh chấp trong hoạt động sở hữu trí tuệ là hoạt động trong quan hệ dân sự có liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong việc đăng kí và sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Các tranh chấp trong hoạt động sở hữu trí tuệ xảy ra trong trường hợp một chủ thể tiến hành đăng kí một đối tượng sở hữu trí tuệ và phát hiện đối tượng này đang được sử dụng bởi một đối tượng khác. Việc sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ của chủ thể đã đăng kí trước đó có khả năng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đăng kí sau.
Tuy nhiên, tranh chấp dù ở các lĩnh vực khác nhau nhưng đều liên quan đến những khía cạnh chung nhất: 1. Chủ thể: là hai hay nhiều cá nhân hay pháp nhân tham gia; 2. Đối tượng: quyền lợi và lợi ích hợp pháp; 3. Nội dung: sở hữu hay sử dụng quyền và lợi ích hợp pháp biểu hiện ở một sự vật.
Cục bản quyền tác giả và Cục sở hữu trí tuệ:
Cục bản quyền tác giả:
Cục bản quyền tác giả là cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Cục bản quyền tác giả là cơ quan chủ trì trong việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình các cấp ban hành.
Sau khi các quy phạm pháp luật được ban hành, Cục bản quyền tác giả thực hiện tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan
Cục sở hữu trí tuệ:
Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước
Cục Sở hữu trí tuệ có 19 nhiệm vụ chính. Tuy nhiên có thể khái quát thành 5 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau:
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, biện pháp đẩy mạnh hoạt động và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ trong phạm vi cả nước;
– Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân;
– Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ;
– Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn về sở hữu trí tuệ cho các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ thuộc các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước;
– Thực hiện chức năng bảo đảm các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ; đào tạo, bồi dương chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ và tư vấn về thủ tục xác lập, quản lý, sử dụng và chuyển giao, chuyển nhượng giá trị quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp.