Tranh chấp giữa nhãn hiệu của doanh nghiệp này với tên thương mại của doanh nghiệp khác

0
385

Trong chuyên mục Lăng kính pháp luật thuộc chương trình Kinh doanh và pháp luật của Kênh VTV2, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời về tình huống tranh chấp giữa nhãn hiệu của doanh nghiệp này với tên thương mại của doanh nghiệp khác.

Sau đây là nội dung trả lời của luật sư Hà;

1.Tình huống cần giải quyết:

Tại VP công ty Hòa Bình, Hoàng – Trưởng phòng kinh doanh báo cáo cho Vũ – Giám đốc công ty:

–         Hoàng: Báo cáo về việc trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng có sử dụng nhãn hiệu tương tự với sản phẩm Sao Mai của Hòa Bình (Công ty Sao Mai sử dụng tên thương mại Sao Mai dán nhãn hàng hóa, sản phẩm, quảng cáo, giao dịch với khách hàng khiến nhiều khách hàng của công ty Hòa Bình nhầm lẫn)

–         Vũ: Hỏi Hoàng xem đã điều tra xem nguyên nhân tại sao công ty Sao Mai lại sử dụng tên nhãn hàng đó.

–         Hoàng: Cho biết rằng, đã trao đổi thông tin với công ty với Công ty Sao Mai, nhưng công ty Sao Mai cho rằng công ty đã đăng ký kinh doanh với tên thương mại là Sao Mai, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2007. Từ đó đến nay, công ty Sao Mai luôn sử dụng tên thương mại của mình vào các hoạt động công ty cũng như quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của công ty.

–         Vũ: Cho rằng, công ty Hòa Bình đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Sao Mai với Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 2005 đến nay, được cấp văn bằng tử tế. Không thể để công ty Sao Mai sử dụng tùy tiện nhãn hiệu của công ty như vậy được. Hoàng cho rằng công ty Sao Mai đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty. Hoàng yêu cầu Vũ gửi công văn ngay lập tức cho công ty Sao Mai, yêu cầu công ty Sao Mai không được sử dụng tên thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của công ty Hòa Bình.

–         Hoàng: Báo cáo rằng, đã phản ánh đến phòng truyền thông của công ty Sao Mai nhưng không nhận được phản hồi. Công ty Sao Mai vẫn sử dụng tên thương mại cho sản phẩm, hàng hóa của mình trên thị trường.

Vũ: Rất tức giận, Vũ yêu cầu Hoàng phải tìm hiểu ngay Luật sư để được tư vấn thông tin, ngăn chặn hành vi của công ty Sao Mai.

2. Giải đáp, tư vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà!

Chúng ta vừa cùng theo dõi một tình huống giả định liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa hai doanh nghiệp khi nhãn hiệu hàng hóa đã được cấp văn bằng bảo hộ của doanh nghiệp này trùng với tên thương mại của một doanh nghiệp khác – Tình huống của công ty Hòa Bình và Sao Mai cũng là tình huống chung của không ít các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

PV:Vậy, trong trường hợp này, yêu cầu của công ty Hòa Bình có phù hợp với quy định pháp luật không trong khi một bên đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, một bên là tên thương mại được cấp hợp pháp, thưa Luật sư?

Luật sư: Vì thông tin trong tình huống chưa được rõ ràng nên trong trường hợp này có 2 trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Công ty Hòa Bình được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trước thời điểm Công ty Sao Mai đăng ký và hoạt đọng hợp pháp trong cùng lĩnh vực với Công ty Hòa Bình. Trong trường hợp này Công ty Hòa Bình được bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại của Công ty Sao Mai sẽ không được coi là sử dụng hợp pháp để có thể được bảo hộ tại Việt Nam do công ty này sử dụng tên thương mại tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty Hòa Bình đã được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 78 của Luật sở hữu trí tuệ.

+ Trường hợp thứ hai: Công ty Hòa Bình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu từ năm 2005 nhưng đến khi được Cục sở hữu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì lại sau thời điểm Sao Mai hoạt động hợp pháp. Trong trường hợp này, căn cứ vào quy định của tại khoản 3 Điều 78 và Điều 74.2.j của Luật sở hữu trí tuệ thì Sao Mai được bảo hộ tên thương mại theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, trong trường hợp này quyền sở hữu thuộc về Công ty Sao Mai.

Về vấn đề này, cần phải xác định rằng đang có sự không tương thích giữa Luật sở hữu trí tuệ và Luật doanh nghiệp.

Mặc dù pháp luật về đặt tên doanh nghiệp hiện hành quy định không được đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể được bảo hộ tại Việt Nam (Điều 17 của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP) tuy nhiên việc kiểm soát vấn đề này, tuy nhiên việc kiểm soát có hay không có sự trùng nhau/tương tự giữa tên doanh nghiệp và nhãn hiệu của cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chưa thực hiện được trên thực tế.

PV: Trường hợp công ty Sao Mai không phản hồi yêu cầu của công ty Hòa Bình và vẫn sử dụng tên thương mại trên các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Theo Luật sư, để đảm bảo quyền lợi của mình, công ty Hòa Bình nên làm gì?

Luật sư: Trong trường hợp này Công ty Hòa Bình cần phải xác định lại cơ sở quyền của mình.

Trong trường hợp xác định rằng nhãn hiệu của mình được bảo hộ trước thời điểm tên thương mại được sử dụng thì Công ty Hòa Bình có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vụ việc hoặc khởi kiện ra tòa.

PV: Lời khuyên nào cho các bên trong trường hợp này, thưa Luật sư? (công ty Hòa Bình + công ty Sao Mai)

Luật sư trả lời: Đối với cả công ty Hòa Bình và công ty Sao Mai, trước tiên nên tham khảo ý kiến của luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trước khi thực hiện các công việc như đặt tên doanh nghiệp và/hoặc đăng ký nhãn hiệu. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, cả hai bên nên tận dụng các cơ hội để giải quyết vụ việc thông qua quá trình thương lượng vì đây là biện pháp ít tốn kém chi phí và thời gian cho cả hai bên.

Trên thực tế, trong quá trình tư vấn, biện pháp thương lượng vẫn là một biện pháp đầu tiên được chúng tôi đề xuất cho khách hàng để khách hàng lựa chọn.

Tuy nhiên, rất tiếc là trong một số trường hợp bên vi phạm chưa đánh giá được đúng tính chất của vụ việc khiến cho việc xử lý phải được xử lý bởi cơ quan chức năng hoặc tòa án, khiến cho cả hai bên tốn chi phí và thời gian cho việc giải quyết vụ việc.

Trong phần lớn các trường hợp như thế, bên vi phạm thường phải chịu nhiều thiệt hại và hơn thế nữa, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

PV: Xin cảm ơn sự tư vấn của Luật sư!