Tránh được rủi ro khi mua nhà.

0
300

Những vụ người dân bị chủ đầu tư lừa, có nguy cơ bị ra khỏi nhà cho dù họ đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua khiến nhiều người rất lo lắng. Vậy phải làm gì để người dân tránh được rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai? NTNN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà-Chủ tịch Công ty Luật SB Law .

Theo luật sư, trong những vụ việc này thì chủ đầu tư thường dùng thủ đoạn gì để lừa người dân?

Không phải chủ đầu tư nào cũng làm ăn thiếu nghiêm túc. Nhưng pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở, nên nhà đầu tư thường lách luật. Thông thường hiện nay chủ đầu tư bán nhà hình thành trong tương lai làm theo cách “hợp đồng góp vốn”. Không ít trường hợp chủ đầu tư sau khi huy động vốn của dân lại không sử dụng vốn đó đúng mục đích đầu tư vào dự án xây dựng mà lại dùng vốn đó để đầu tư vào dự án khác; khi bất động sản xuống giá, làm ăn thua lỗ thì bỏ của chạy lấy người. Có chủ đầu tư làm liều xây dựng nhà rồi rao bán khi chưa đủ các thủ tục pháp lý cần thiết (như quy hoạch phê duyệt, giấy phép xây dựng …) thậm chí bán nhà trên giấy. Có chủ đầu tư lại mang nhà đã bán cho dân để thế chấp Ngân hàng, như các bạn đã thấy báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Vậy người dân phải làm thế nào để tránh gặp phải những rủi ro khi mua nhà của các chủ đầu tư?

Khi có dự định mua nhà hình thành trong tương lai, trước tiên cần tìm hiểu kỹ năng lực của chủ đầu tư (thương hiệu, lịch sử, tiềm lực tài chính, …). Yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Xem xét ký việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án…Yêu cầu chủ đầu tư chứng minh mình đã được Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Phải nghiên cứu, xem xét kỹ các điều khoản trong Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhất là các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán, các điều khoản về thanh toán, quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; những chế tài phạt vi phạm được nêu trong hợp đồng…

Một mặt kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế, mặt khác để tìm hiểu được những vấn đề liên quan đến chủ đầu tư mà luật sư nêu trên không phải dễ dàng. Vậy theo luật sư phải làm thế nào?

Thiếu công khai, minh bạch thông tin, đó là căn bệnh trầm kha của thị trường bất động sản của ta hiện nay. Ngoài hiểu biết về pháp luật, để có được những thông tin của chủ đầu tư theo tôi cũng cần phải có kỹ năng. Tốt nhất để hạn chế thấp nhất rủi ro, khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, người dân nên nhờ luật sư tư vấn.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)

Mời Quý vị xem thêm nội dung tư vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về chậm cấp sổ đỏ: