Tư vấn chung về người nước ngoài có nhu cầu đầu tư kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam.

0
634

Câu hỏi: Kính thưa Luật sư, Tôi là người nước ngoài, hiện nay muốn đến Việt Nam để đầu tư kinh doanh và sinh sống thường xuyên tại Việt Nam,

Luật sư vui lòng tư vấn các điều kiện và thủ tục để giúp Tôi thực hiện kế hoạch nêu trên.

Luật sư trả lời: Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn Khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của Khách hàng, chúng tôi xin tư vấn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý:

  • Luật đầu tư 2020 số 61/2020/QH14 (“Luật đầu tư 2020”);
  • Luật số 47/2014/QH13 và Luật số 51/2019/QH14 (“Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”).

2/ Tư vấn của Luật sư:

– Thứ nhất, liên quan đến việc Khách hàng là người nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, căn cứ theo quy định tại Luật đầu tư 2020 và thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh của Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, thì Khách hành có thể cân nhắc lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau đây để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam:

  1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới; hoặc
  2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế đã được thành lập tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật đầu tư 2020, việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới và Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế đã được thành lập tại Việt Nam được quy định như sau:

Điều 22. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

  1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Điều 24. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

  1. Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
  2. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;

c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Điều 25. Hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

  1. Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

  1. Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

b) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Đối với trường hợp của Khách hàng là người nước ngoài, việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:

Điều 9. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

  1. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
  2. Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;

b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

  1. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

b) Hình thức đầu tư;

c) Phạm vi hoạt động đầu tư;

d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy, Khách hàng cần xem xét và đối chiếu với các quy định cụ thể của Việt Nam tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên liên quan đến lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà Khách hàng mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, từ đó lựa chọn hình thức đầu tư và xem xét khả năng thực hiện việc đầu tư kinh doanh một cách phù hợp.

– Thứ hai, liên quan đến việc sinh sống thường xuyên tại Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, thì căn cứ theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Khách hàng có thể xem xét một trong những lựa chọn sau đây tùy theo nhu cầu của mình:

Không có nhu cầu xin cấp thẻ tạm trú:

Trường hợp Khách hàng không có nhu cầu xin cấp thẻ tạm trú, thời hạn cư trú sẽ được cấp bằng với thời hạn thị thực nhập cảnh của Khách hàng. Thời hạn thị thực của Khách hàng trong trường hợp là nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được quy định như sau:

– Thị thực ký hiệu ĐT4 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng – có thời hạn không quá 12 tháng.

– Thị thực ký hiệu ĐT3 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng – có thời hạn không quá 03 năm.

– Thị thực ký hiệu ĐT2 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định – có thời hạn không quá 05 năm.

– Thị thực ký hiệu ĐT1 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định – có thời hạn không quá 05 năm.

Có nhu cầu được cấp thẻ tạm trú:

Trường hợp Khách hàng có nhu cầu được cấp thẻ tạm trú trên cơ sở thực hiện việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Khách hàng có thể nộp hồ sơ đề nghi cấp thẻ tạm trú sau khi nhập cảnh với các loại thị thực ĐT1, ĐT2 hoặc ĐT3 tương ứng. Thời hạn thẻ tạm trú tương ứng với từng loại được quy định như sau:

– Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.

– Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm.

– Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm.

Tóm lại, để đảm bảo đạt được cả hai mục tiêu đầu tư kinh doanh và sinh sống thường xuyên tại Việt Nam, Khách hàng cần xem xét trước tiên là hình thức, điều kiện và khả năng mà Khách hàng có thể đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mà Khách hàng mong muốn tại Việt Nam, từ đó đối chiếu với các các điều kiện về cư trú xem có phù hợp hoặc đáp ứng được nhu cầu sinh sống thường xuyên tại Việt Nam của Khách hàng, từ đó đưa ra kết luận phù hợp nhất để thực hiện việc đầu tư kinh doanh và sinh sống theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Trên đây là phần ý kiến tư vấn của Luật sư dựa trên giả định về nội dung câu hỏi của Khách hàng và các quy định chung của pháp luật hiện hành. Tùy từng trường hợp, Luật sư sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá và đưa ra kết luận hoặc ý kiến tư vấn chi tiết hơn sau khi xem xét các tài liệu liên quan đến từng trường hợp cụ thể của từng Khách hàng riêng biệt trên thực tế.