Tư vấn thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh phân phối tại Việt Nam

0
611

Câu hỏi: Tôi hiện đang muốn thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân phối hàng hóa tại Việt Nam. Quý Công ty vui lòng tư vấn giúp tôi trình tự, thủ tục để thành lập Công ty này?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law hiểu rằng Quý Khách hàng hiện đang có nhu cầu tư vấn pháp luật về việc thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân phối hàng hóa tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Công ty”). Chúng tôi hân hạnh gửi đến Quý Khách hàng nội dung tư vấn như sau:

I. Ý KIẾN TƯ VẤN SƠ BỘ

  1. THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI:

Căn cứ theo Luật Đầu tư 2020, việc đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế yêu cầu Nhà đầu tư nước ngoài phải trải qua qua trình cấp phép gồm hai bước. Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh phân phối, các quy định có liên quan yêu cầu Nhà đầu tư nước ngoài và Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FIC) phải thỏa mãn 2 lớp điều kiện trước khi chính thức cung cấp dịch vụ kinh doanh phân phối trên các khía cạnh. Lớp thứ nhất chính là điều kiện đầu tư và lớp thứ hai là điều kiện kinh doanh (còn được biết đến là giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép con).

Tóm lại, các thủ tục cần tiến hành sẽ bao gồm:

+ Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT)

+ Bước 2: Thành lập Công ty bằng cách xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN);

+ Bước 3: Sau khi được cấp Giấy CNĐKĐT và Giấy CNĐKDN, Công ty phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh (giấy phép con) cho hoạt động bán lẻ và các hoạt động khác có liên quan đến các ngành nghề cụ thể của Công ty (nếu có).

  1. MUA BÁN HÀNG HÓA CỦA CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá là việc thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối và các hoạt động khác theo quy định của Luật Thương mại Việt Nam.

Khi hoạt động kinh doanh phân phối tại Việt Nam, các ngành nghề kinh doanh thường được đăng ký gồm quyền nhập khẩu và/hoặc quyền xuất khẩu và/hoặc quyền phân phối. Quyền phân phối bao gồm bán buôn, bán lẻ, mua bán hàng hoá và nhượng quyền thương mại theo quy định pháp luật Việt Nam. Quyền phân phối cho phép thực hiện các hoạt động phân phối trực tiếp nhưng không được thành lập mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam.

Nếu Công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ thực hiện quyền nhập khẩu (không thực hiện phân phối), thì Công ty được phép nhập khẩu hàng hóa có giá trị vào Việt Nam và trực tiếp cung cấp cho các thương nhân Việt Nam có ngành nghề  kinh doanh hoặc những doanh nghiệp có quyền xuất khẩu/nhập khẩu các hàng hóa đó, nhưng không được tham gia vào bất kỳ mạng lưới bán lẻ nào tại Việt Nam.

Nếu Công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ thực hiện quyền xuất khẩu, thì Công ty được phép mua hàng hóa từ Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm các hàng hóa có giá trị đã được nhập khẩu vào Việt Nam bởi thương nhân Việt Nam nhưng không được thành lập mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam.

Nếu Công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối bán buôn, thì Công ty được phép xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn hàng hóa, sản phẩm mà không cần phải làm thủ tục xin cấp Giấy phép Kinh doanh (trừ việc tiến hành phân phối bán buôn các sản phẩm có liên quan đến dầu nhớt, sẽ được cấp Giấy phép kinh doanh dựa theo từng trường hợp cụ thể).

Nếu Công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối bán lẻ, Công ty phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (nếu có) trước khi tiến hành hoạt động phân phối bán lẻ, bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán lẻ hàng hóa.

  1. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH CỤ THỂ:

Căn cứ theo Biểu cam kết dịch vụ với WTO, hiện nay Việt Nam đã cho phép thành lập công ty có vốn đầu tư hoàn toàn nước ngoài cung cấp dịch vụ kinh doanh phân phối tại Việt Nam. Nhằm đảm bảo khả năng thành công khi tiến hành thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, Nhà đầu tư cần cân nhắc các vấn đề sau đây dựa trên thực tiễn:

– Quốc tịch của Nhà đầu tư nước ngoài phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);

– Các sản phẩm kinh doanh không thuộc Danh mục hạn chế/cấm/tạm thời cấm nhập khẩu/xuất khẩu/phân phối theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi đề nghị Khách hàng cung cấp danh sách mã HS của các sản phẩm dự kiến kinh doanh để kiểm tra trước tính hợp lệ của sản phẩm.

– Pháp luật Việt Nam không quy định về vốn điều lệ/ vốn đầu tư tối thiểu áp dụng cho công ty thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, vốn đầu tư nên phù hợp với quy mô và mục đích của dự án đầu tư, loại hình hàng hoá dự kiến kinh doanh và cơ quan cấp phép sẽ kiểm tra kế hoạch tài chính cho hoạt động phân phối của Công ty khi nộp đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh (nếu có);

– Không rơi vào trường hợp nợ thuế quá hạn khi tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động ít nhất một năm tại Việt Nam.

– Địa điểm kinh doanh và các trang thiết bị cần thiết cho việc kinh doanh phải tuân thủ theo yêu cầu về bảo vệ môi trường và địa điểm (nếu có).

II. PHẠM VI DỊCH VỤ

Phạm vi dịch vụ của chúng tôi như sau:

PHẠM VI DỊCH VỤ
Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu cần thiết:

· Thông báo cho Khách hàng về hồ sơ đăng ký theo quy định pháp luật Việt Nam;

· Soạn thảo các tài liệu cần thiết để nộp;

· Hoàn thiện hồ sơ để nộp cho cơ quan cấp phép;

Quy trình cấp phép

· Thay mặt Khách hàng nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

· Theo dõi quá trình thẩm định và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền;

· Cập nhật tình hình cho Khách hàng và các yêu cầu bổ sung (nếu có);

· Nhận kết quả và bàn giao cho khách hàng;

Thủ tục sau cấp phép

· Đăng ký mẫu con dấu của Công ty.

· Hỗ trợ thủ tục mở tài khoản ngân hàng.

Lộ trình thực hiện công việc trên có thể được mô tả chi tiết như sau:

  1. Chuẩn bị hồ sơ: Chúng tôi dự kiến giao đoạn này sẽ được hoàn thành trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin/ tài liệu từ Khách hàng. Các tài liệu chuẩn bị sẽ được gửi đến Khách hàng để rà soát, ký và đóng dấu
  2. Nộp hồ sơ: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
  3. Quy trình cấp phép:
  • Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.
  • Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Trong vòng 05-07 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.

4. Thủ tục sau cấp phép: Trong vòng 03 ngày làm việc.