Tư vấn về việc chấm dứt hợp đồng lao động

0
605

Câu hỏi: Mình là Hương, mình có ký 1 hợp đồng lao động thời hạn 1 năm với công ty A. Nôi dung hợp đồng có quy định:

Bên A (Công ty thuê): Cam kết thực hiện đầy đủ chế độ theo như thư mời làm việc.

Bên B (người lao động): Cam kết làm việc 1 năm kể từ thời điểm làm chính thức, nếu bỏ phải bồi thường 15 triệu chi phí đào tạo.

Theo như thư mời làm việc thì khi làm chính thức mình nhận được: Lương cứng: 6 triệu đồng/ tháng; Phụ cấp xăng xe: 15 lít/ tháng; Ăn trưa: 30 nghìn /buổi; Điện thoại: 200 nghìn/tháng (trả theo hóa đơn).

Sau 3 tháng làm việc chính thức, phía công ty A trả phụ cấp điện thoại, mặc dù mình đã phản ánh nhiều lần, trái với cam kết của thư mời làm việc. Cũng tại thời điểm này, giám đốc chi nhánh cũng có những hành vi công việc không đúng với mình, mình có báo cáo chuyện đó lên nhân sự và cấp trên, tuy nhiên Nhân sự không giải mâu thuẫn đó và GĐ chi nhánh đơn phương trả mình về nhân sự và bảo mình đừng đến làm nữa vì có đến cũng không được chấm công, trả lương. Do đó mình đã đệ đơn xin nghỉ việc vì công ty A không thực hiện đúng cam kết của mình. Tuy nhiên nhân sự không giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động nếu mình không bồi thường 15 triệu chi phí đào tạo. Vì nhu cầu cuộc sống, mình đã tìm một công việc khác, hiện tại mình đang làm việc tại công ty khác và quay lại công ty A hỏi trường hợp nhân sự của mình đối với công ty A là như thế nào? Giải quyết ra sao? nhân sự công ty A trả lời là trường hợp của mình là đơn phương chấm dứt lao động trên hình thức tự ý nghỉ việc dài hạn.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.  Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc chấm dứt hợp đồng lao động

Căn cứ Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định những trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a. Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b. Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; …”.

Trong trường hợp này do bên người sử dụng lao động đã vi phạm thoả thuận trong hợp đồng lao động về trả lương nên bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và đảm bảo điều kiện phải báo trước cho người sử dụng lao động 03 ngày làm việc theo khoản 2 Điều 37.

Thứ hai, về việc bồi thường chi phí đào tạo

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Bộ luật lao động năm 2012 thì: khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62. Cụ thể:

“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luậ

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

c) Chi phí đào tạo;

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Như vậy, theo quy định trên, người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động trong trường hợp hai bên ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Trường hợp của bạn chi phí đào tạo được quy định trong hợp đồng lao động là một phần của hợp đồng lao động, do đó khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động. Khi người lao động chấm dứt hợp đồng đúng luật thì không phải hoàn trả chi phí đào tạo.

Tại Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

“1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

2.Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sửdụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty sẽ có trách nhiệm xác nhận và thanh toán các khoản có liên quan đến quyền lợi của bạn.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc công ty Luật SB Law bàn về điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại trên kênh truyền hình VITV: